Quy định về phát triển và quản lý chợ
Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 quy định về phát triển và quản lý chợ.
Nghị định này quy định chính sách, cơ chế phát triển và quản lý chợ, bao gồm: đầu tư xây dựng chợ (gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng); tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ; quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý.
Nghị định phân loại chợ theo 3 phương thức: Kinh doanh, quy mô, nguồn vốn.
Phân loại chợ theo phương thức kinh doanh
Chợ đầu mối là chợ có công năng sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này và đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Quy mô (diện tích): Diện tích mặt bằng đất nền chợ tối thiểu là 10.000 m2 không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.
- Vị trí: Kết nối với các loại hình giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
- Hạng mục công trình bao gồm:
Các công trình thiết yếu: Bãi giữ xe, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, địa điểm tập kết phế thải, phế liệu, khu vệ sinh và kho, bãi xe tập kết hàng hóa;
Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: Phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;
Các hạng mục khu vực chính: khu kinh doanh hàng hóa theo từng phân khu ngành hàng (gồm khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật được xuất khẩu, nhập khẩu), truy xuất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa; kho bãi tập kết giao, nhận hàng hóa; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu và khu vực bốc, xếp hàng hóa dành cho xe tải và Container.
Đối với những chợ đầu mối đã được đầu tư, xây dựng và đang hoạt động trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo dự án đầu tư.
Chợ dân sinh là chợ mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh hàng hóa thông dụng, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.
Phân loại chợ theo quy mô
Chợ hạng 1: Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch;
Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.
Chợ hạng 2: Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch;
Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.
Chợ hạng 3: Là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như vệ sinh công cộng.
Phân loại chợ theo nguồn vốn
Chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước: Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan;
Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định này.
Chợ được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước (gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật): Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tổ chức quản lý chợ
Tổ chức quản lý chợ bao gồm: Chủ đầu tư xây dựng chợ; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định này; tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định này.
Nội quy chợ
Nội quy chợ phải có những nội dung chính sau đây: Thời gian mở cửa; quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ; quy định về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ; quy định về người đến giao dịch, mua bán, tham quan, thi hành công vụ tại chợ; quy định đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ; an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai; an ninh, trật tự tại chợ; vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm...
Nghị định nêu rõ nội quy chợ phải được niêm yết công khai, rõ ràng, ở nơi dễ nhìn, dễ quan sát trong chợ và phải được phổ biến đến thương nhân kinh doanh tại chợ.
Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quy định của pháp luật và Nội quy chợ.
Các hành vi vi phạm Nội quy chợ do tổ chức quản lý chợ xử lý theo thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Nội quy mẫu để thống nhất việc xây dựng nội quy chợ và áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn.
Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"
Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6/6/2024 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
Trong đó, Nghị định số 61/2024/NĐ-CP quy định rõ về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân"
Theo quy định, Danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc cho loại hình, ngành, nghề văn hóa, nghệ thuật được tôn vinh; có uy tín nghề nghiệp; có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.
3- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên hoặc 15 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa.
4- Đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú", sau đó tiếp tục đạt một trong các tiêu chí sau đây: a- Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng quốc gia là của cá nhân.
Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
b- Trong trường hợp không có 01 giải Vàng quốc gia là của cá nhân thì phải có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
c- Có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia đối với tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh.
Giải Vàng trong nước của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh được tính quy đổi theo tỷ lệ quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh do cơ quan chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
d- Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc, chưa đáp ứng tiêu chí theo quy định tại điểm a hoặc điểm b trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho một trong các trường hợp cụ thể sau đây:
Cá nhân là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh, đặc biệt là trong giai đoạn những năm kháng chiến cứu nước;
Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia;
Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch;
Cá nhân là giáo viên, giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp; đào tạo trực tiếp từ 03 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Vàng tại các cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế (Giải thưởng quốc tế của học sinh, sinh viên do cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản xác nhận để làm căn cứ tính thành tích cho giáo viên, giảng viên), hiện vẫn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh hoặc có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh, hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú"
Danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề văn hóa, nghệ thuật được tôn vinh; có uy tín nghề nghiệp; có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.
3- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa.
4- Đạt một trong các tiêu chí sau đây:
a- Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng quốc gia là của cá nhân.
Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
b- Có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia, trong đó có giải Vàng quốc gia là của cá nhân.
Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Tỷ lệ quy đổi giải Bạc quốc gia của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được tính như tỷ lệ quy đổi của giải Vàng quốc gia.
c- Trong trường hợp không có 01 giải Vàng quốc gia là của cá nhân thì phải có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
d- Có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia đối với tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh.
Giải Vàng trong nước của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh được tính quy đổi theo tỷ lệ quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh do cơ quan chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
đ- Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, chưa đáp ứng tiêu chí theo quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c ở trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho một trong các trường hợp cụ thể sau đây:
Cá nhân là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này; có nhiều đóng góp xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh, đặc biệt là trong giai đoạn những năm kháng chiến cứu nước;
Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này; có nhiều đóng góp xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia;
Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này; có nhiều đóng góp xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch;
Cá nhân là giáo viên, giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp; đào tạo trực tiếp từ 03 học sinh, sinh viên, trong đó có ít nhất 02 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Vàng và 01 học sinh, sinh viên tham gia đạt giải Bạc tại các cuộc thi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế (Giải thưởng quốc tế của học sinh, sinh viên do cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản xác nhận để làm căn cứ tính thành tích cho giáo viên, giảng viên), hiện vẫn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh hoặc có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này, có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh, hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia.
Tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Theo đó, sẽ tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.
TĐTNN 2025 thu thập các nhóm thông tin sau:
1- Thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản:
- Số lượng đơn vị sản xuất; số lao động và cơ cấu lao động; thời gian lao động;
- Quy mô sản xuất;
- Năng lực sản xuất;
- Tình hình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ứng dụng kinh tế số;
- Thực trạng tiếp cận thông tin của các đơn vị sản xuất;
- Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
- Tác động của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tới môi trường; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Tình hình phát triển kinh tế trang trại;
- Phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững;
- Vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
- Kết quả hoạt động tự sản, tự tiêu của các hộ dân cư;
- Tình hình sử dụng đất nông nghiệp.
2- Thực trạng nông thôn gồm:
- Thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có thông tin gắn với tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;
- Các hình thức hỗ trợ kinh tế nông thôn (hệ thống khuyến nông, lâm, ngư; tiếp cận thị trường;...);
- Vệ sinh môi trường nông thôn;
- Phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chế biến, dịch vụ và du lịch;
- Tổ hợp tác và làng nghề;
- Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Ủy ban nhân dân xã.
3- Thông tin về cư dân nông thôn gồm:
- Khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về cư dân nông thôn;
- Tình hình sử dụng điện, nước sạch của cư dân nông thôn; khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 thu thập thông tin trong 30 ngày, từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 30/7/2025. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 12/2025. Kết quả chính thức được công bố vào tháng 3/2026. Các báo cáo phân tích chuyên đề được công bố vào tháng 7/2026.
Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp các cấp
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 các cấp. Cụ thể:
Ở trung ương: Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban thường trực; Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó trưởng ban.
Thứ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành liên quan làm ủy viên.
Ban Chỉ đạo trung ương thành lập Tổ thường trực giúp việc và sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chỉ đạo thực hiện TĐTNN 2025.
Ở địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 cùng cấp.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo thực hiện TĐTNN 2025 tại địa phương.
Thành phần Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban. Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Trưởng ban thường trực. Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) các cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp và đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan làm ủy viên.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập Tổ thường trực giúp việc.
Thành phần Ban Chỉ đạo cấp xã gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban. Công chức Văn phòng - thống kê cấp xã làm ủy viên thường trực. Công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam) và cán bộ, công chức liên quan làm ủy viên.
Quyết định nêu rõ chỉ thành lập Ban Chỉ đạo đối với quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh, các phường và thị trấn có tỷ lệ hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trên 30% tổng số hộ dân cư.
Đối với quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh, phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trực tiếp chỉ đạo; Thủ trưởng cơ quan Thống kê cấp huyện, công chức Văn phòng - thống kê cấp xã làm nhiệm vụ thường trực.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện TĐTNN 2025.
Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) có nhiệm vụ chủ trì xây dựng, trình Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương ban hành phương án TĐTNN 2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức, chỉ đạo thực hiện TĐTNN 2025 theo Phương án; xây dựng cơ sở dữ liệu TĐTNN 2025 phục vụ kết nối, chia sẻ với các bộ, ban, ngành liên quan.
Đồng thời, chủ trì lập, phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện TĐTNN 2025 và tổng hợp trong dự toán thu, chi ngân sách hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Phương án và tham gia thực hiện TĐTNN 2025.
Bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 483/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Cụ thể, Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung 2 Dự án (Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án đầu tư mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) vào Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Đồng thời, Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Bến Tre, Trà Vinh vào khoản 3 Điều 3 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Quyết định số 483/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 7/6/2024./.
Theo chinhphu.vn