(Pháp lý). Với mong mỏi đau đáu dựng xây đất nước hùng mạnh, kinh tế phát triển, trong suốt cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả một đời luôn hướng về dân tộc, về Tổ quốc, cả một đời tận tụy cống hiến và lãnh đạo Đảng ta vượt qua bao khó khăn thử thách để đất nước ta đạt được nhiều thành tựu về kinh tế xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng ta là một bậc kỳ tài trong công cuộc dựng xây đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết với các giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển KTXH
Sinh thời, Tổng bí thư đã dặn dò: “Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm, ý chí như vậy.”
Quyết tâm đó, ý chí đó đã truyền lửa mạnh mẽ vào quan điểm của Đảng và Nhà nước đối việc tư duy đổi mới kinh tế trong hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, trong đó nổi bật là đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là Thể chế, Nguồn nhân lực và Kết cấu hạ tầng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mặc dù còn nhiều bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Chính phủ, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển theo chiều sâu, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng được nâng cao đáng kể, cơ cấu nền kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút được một lượng vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Khu vực tư nhận đóng góp ngày càng lớn và trở thành một thực thể quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện, GDP bình quân 6.01%/năm cao hơn mức bình quân 5.91%/năm của giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân 10.5%/năm (Nguồn: Tổng cục thống kê). Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng năm 2022 là 8.02%. Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào danh sách TOP 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới với hơn 33.070 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 384 tỷ USD trong đó tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 16 tỷ USD (Bộ Kế hoạch Đầu tư_Cục đầu tư nước ngoài). Năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 20.19 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23.18 tỷ USD là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, số lượng dự án mới cũng đạt 3.188 dự án cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng trong việc thu hút vốn FDI so với các nước trong khu vực và thế giới (Báo điện tử_Xây dựng chính sách pháp luật).
Lạm phát được cải thiện từ 7.65% giai đoạn (2011-2015) xuống còn 3.14% giai đoạn 2016-2020 và năm 2023 duy trì ở mức thấp 3.25% (đạt mục tiêu Quốc hội đề ra dưới 4%). Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thị trường ngoại hối và tỉ giá đi vào ổn định, lãi suất giảm dần.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện thông qua việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ bình quân đạt 5.82% cao hơn mức tăng 4.36% của giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn 2016-2020, việc cơ cấu lại các Doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công được chú trọng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ và hiểu quả, đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng đi vào thực chất, chuyển dịch đúng hướng, phát triển kinh tế vùng theo hướng tăng cường liên kết, gắn kết công nghiệp hóa-hiện đại hóa, phát triển nông thôn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem sơ đồ tổng mặt bằng Nhà máy VINFAST, Hải Phòng, tháng 4/2022. Ảnh: TTXVN
Khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc với số lượng doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020 cao gấp 2.6 lần, đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nhiều lĩnh vực du lịch, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển đô thị, có khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ và có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ là động lực thúc đẩy và lan tỏa kinh tế tư nhân và các start-up, cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP.
Thế và lực của nước ta trong sự phát triển kinh tế đã lớn mạnh hơn rất nhiều trong đó, vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được báo chí nước ngoài ngợi ca “đóng vai trò trung tâm, hạt nhân trong sự phát triển kinh tế Việt Nam” (Financial Times), “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn” (Washington Post).
Để kết lại thành tựu của 35 năm đổi mới của đất nước ta với những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực mà trên tất cả, phải có sự chỉ đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam có thể tự hào tuyên bố rằng “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (trích dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26/01/2021)
Mặc dù có những cống hiến to lớn và không biết mỏi mệt như vậy đối với phát triển kinh tế của đất nước nhưng trong cuộc sống và làm việc thường ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ phong cách sống khiêm tốn, kiên trung, dung dị của người Cộng sản. Khi được bầu giữ chức Chủ tịch nước, hiếm có người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ nào lại có thể khiêm tốn chia sẻ 2 câu thơ vì lo sợ trọng trách nước nhà to lớn, khó có thể đủ sức để chu toàn:
“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Lễ nhậm chức Chủ tịch nước 2018)
Phong cách sống giản dị, liêm khiết chính trực như là một tôn chỉ soi sáng cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trong mọi chức vụ đảm nhiệm, ông cương quyết chỉ nhận đúng mức lương Nhà nước chi trả, quyết “không nhận một xu, một hào nào ngoài chế độ”. Ngay khi còn công tác tại Tạp chí Cộng sản, giữ chức vụ Tổng Biên tập, cả gia đình Tổng Bí thư chỉ sinh sống trên một căn gác tập thể nhỏ 25m2 (không bếp, không nhà vệ sinh riêng) trên phố Nguyễn Thượng Hiền. Căn gác nhỏ nhưng gọn gàng, giản dị và tràn ngập màu xanh nhìn ra hàng cây cổ thụ trên phố Nguyễn Thượng Hiền. Và khi đã giữ đến chức vụ Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không xen lẫn việc chung vào việc riêng, gìn giữ hình ảnh của một người lãnh đạo đứng đầu Đảng uy nghiêm, liêm khiết được lòng dân.
“Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương
Nếu là chim hãy là chim câu trắng
Nếu là đá hãy là đá kim cương
Nếu là người hãy là người Cộng sản”
(Trương Quốc Khánh - Tự Nguyện và trích dẫn lời TBT Nguyễn Phú Trọng tại lễ nhận 55 năm tuổi Đảng 2023)
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng trải qua nhiều cương vị lớn, trọng trách của Đảng, Chính phủ như Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 19.01.2011 đến 19.07.2024, Bí Thư Quân Ủy Trung Ương, Chủ tịch Quốc Hội thứ 9 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2006-2011), kiêm nhiệm Chủ tịch nước thứ 10 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2018-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến sĩ Cộng sản kiệt xuất, là niềm tự hào của người dân Việt Nam, là nguồn động lực to lớn cho nhiều tầng lớp nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà Nước, là tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ hiện đại noi theo.
“Tiễn người về mây trắng
Lòng se sắt tiếc thương
Một đời là sen ngát
Vạn cổ rạng bóng dương”
(Hà Tùng Long-Một đời là sen ngát)
Người đã sống một cuộc đời như thế, một cuộc đời khiêm nhường và giản dị như một bông hoa sen thơm ngát hương thơm, vươn lên từ bùn lầy đón nắng mai kiêu hãnh, một đời “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Người là người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người mà cả dân tộc đều tiếc thương như mất đi một người thân trong Lễ tiễn biệt người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cuộc đời cho đất nước, cho cách mạng, được nhân dân quý mến, kính trọng. Sự ra đi của Người sẽ không là kết thúc mà sẽ là mở đầu cho một hành trình ở tương lai…
“Trái tim ấy giờ đã ngừng đập
Nhưng sáng mãi trong muôn vàn người dân”
(Nguyễn Hồng Hạnh)