Đó là điều mà không phải “tư lệnh ngành” nào cũng thể hiện được trong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội với sự giám sát của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước, đặc biệt là khi thời gian đảm nhận vị trí “tư lệnh ngành” mới chỉ vỏn vẹn 7 tháng.
Nếu so về kinh nghiệm quản lý ngành và kinh nghiệm nghị trường, Bộ trường Nguyễn Văn Thắng là “gương mặt” mới toanh trong số 4 “tư lệnh ngành” trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này. Nhưng rõ ràng, trong gần 2 giờ đồng hồ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kể cả khi “bị” các đại biểu tranh luận dồn dập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã cho thấy, thời gian không phải là yếu tố quyết định việc một “tư lệnh ngành” có nắm vững, nắm chắc lĩnh vực quản lý của ngành mình hay không.
Từ những chất vấn rất cụ thể về cây cầu ở địa phương này, tuyến đường tránh ở địa phương kia bị chậm tiến độ, vì sao đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà đến nay vẫn không triển khai được, đến những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách, về tầm nhìn dài hạn phát triển hạ tầng giao thông vận tải và cả những vấn đề rất “nóng”, rất bức xúc trong thực tiễn vừa qua như sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm làm đình trệ hoạt động của người dân và doanh nghiệp... cũng đều được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời trực diện, đúng mực, đúng trách nhiệm.
Không chỉ vậy, Bộ trưởng còn “tranh thủ” diễn đàn của Quốc hội để chia sẻ thêm thông tin, để đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn về những nỗ lực của ngành giao thông vận tải trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vô cùng lớn nhưng nguồn lực lại hạn hẹp, Bộ Giao thông Vận tải muốn làm rất nhiều nhưng ngặt nỗi “cũng chỉ là cơ quan quản lý nhà nước chứ không có tiền” và có những tồn tại đã tích tụ từ nhiều năm qua mà việc tháo gỡ, khắc phục không thể hoàn thành ngay.
Có thể thấy rõ tâm thế trách nhiệm đó trong phần trả lời của Bộ trưởng đối với chất vấn, tranh luận của các ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình), Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh)... liên quan đến câu chuyện đăng kiểm hay chất vấn, tranh luận của các ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai), Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)... liên quan đến các dự án BOT và trạm thu phí BOT.
Với vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhận định là “hết sức nghiêm trọng, đã gây ra các hệ lụy rất lớn, nhân dân, doanh nghiệp cũng phải chờ đợi, rất vất vả trong hoạt động đăng kiểm, đi ngược, đi xuôi cũng không đăng kiểm được”.
Nhắc lại những con số cụ thể như cả nước có hơn 2.000 đăng kiểm viên thì có đến 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố; trong số 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 Trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai cùng lúc hai việc. Một mặt, phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục toàn bộ hoạt động đăng kiểm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một mặt, chỉ đạo việc nghiên cứu để điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Qua đó đã ban hành Thông tư 02 và đang tiếp tục sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 cho phép tự động giãn chu kỳ đăng kiểm, không cần thiết phải đem xe đến, khám xe mới được cấp tem kiểm định, vừa đỡ lãng phí và người dân không phải đem đến.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, còn 3 việc nữa phải xử lý nốt để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường: một là, điều chỉnh cơ chế tài chính hoạt động đăng kiểm, trong đó dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá do nhà nước quản lý để chuyển sang thị trường quyết định. Hai là, tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ đăng kiểm, để thời gian trong vòng 3 tháng có đủ lực lượng để bố trí trở lại cho tất cả các trung tâm đăng kiểm. Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, thực hiện việc đăng ký đăng kiểm qua mạng và thanh toán chuyển khoản, làm như nước ngoài, đúng ngày giờ chủ phương tiện đem phương tiện đến đăng kiểm, không phải xếp hàng như trước đây.
Với thực tế một số doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản do Nhà nước mở các tuyến nhánh, tuyến tránh song song với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chân thành thừa nhận, “đúng là trong quá trình phát triển của đất nước, trong đó có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, đôi khi chúng ta không tính toán hết được”.
Theo Bộ trưởng, cách đây 10 - 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực thì có hạn, do đó, chúng ta tạo mọi điều kiện để mời gọi các nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển hơn, chúng ta tiếp tục xây dựng các quy hoạch chiến lược thì cùng với sự phát triển thực tiễn, chúng ta cũng rà soát lại và thấy phải tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối nên có rất nhiều dự án BOT sẽ bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. Đơn cử, sau khi khánh thành tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thì riêng tháng vừa rồi, tuyến BOT trên quốc lộ 1A đã giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận vì đi các tuyến này vừa nhanh, vừa vắng, lại không mất tiền.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nêu rõ, ngay trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã thiết kế quy định để xử lý các trường hợp này. Cụ thể là, khi doanh thu thực tế của dự án BOT vượt quá 125% doanh thu dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho Nhà nước. Đổi lại, doanh thu xuống dưới 75% dự tính thì Nhà nước phải chia sẻ với nhà đầu tư. “Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu trình Quốc hội và Chính phủ về cơ chế xử lý đối với các dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường tránh. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu xử lý sớm đối với các dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết.
Với việc chưa hoàn thành triệt để yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62 "trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, việc này đã triển khai nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan đến các hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư. Nhà nước hay doanh nghiệp đều bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng, cho nên, trong quá trình xử lý, chúng tôi rất cố gắng, nỗ lực, có những trạm đã xử lý được rồi, nhưng có những trạm thì phải tiếp tục đàm phán.
“Chúng ta cố gắng làm sao đạt được đến mục tiêu, không phải chỉ đàm phán với nhà đầu tư mà còn phải tổ chức đàm phán với các ngân hàng để giảm lãi suất, thậm chí miễn lãi suất để giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư. Rất nhiều dự án chúng ta biết không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của nhà nước mà do vấn đề kinh tế - xã hội phát triển, do nhu cầu thực tiễn phát sinh cần phải mở thêm tuyến này, phải làm thêm đoạn kia thì tự khắc dẫn đến câu chuyện này. Chúng tôi rất trách nhiệm, trước mắt trong thời gian tới sẽ tiếp tục trình 8 dự án BOT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Sáng mai, 8.6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ còn hơn một giờ để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với danh sách đăng ký chất vấn lên tới 110 đại biểu, chưa kể khá nhiều đại biểu Quốc hội đã sử dụng quyền tranh luận trong phiên họp chiều nay, chắc chắn Bộ trưởng khó có thể trả lời được hết thảy các vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Nhưng hiệu quả chất vấn không chỉ ở phiên chất vấn, mà quan trọng hơn nữa là những chuyển động trong thực tiễn tới đây như thế nào. Bộ trưởng sẽ tiếp tục hành động ra sao? Thực hiện lời hứa của mình thế nào để giao thông vận tải thực sự đột phá, đi trước mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Đó mới là điều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân mong đợi!