Chiều 7.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan liên quan rà soát công tác chuẩn bị Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra đầu tuần tới.
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là điểm nhấn quan trọng tại mỗi Kỳ họp của Quốc hội, được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ được tiến hành trong hai ngày 11-12.11, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, với mỗi lĩnh vực chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và Bộ trưởng các Bộ liên quan sẽ tham gia trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết sẵn sàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Qua báo cáo của Văn phòng Quốc hội và các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thống nhất về cách thức tiến hành chất vấn, thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội và thời gian trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung điều hành các lĩnh vực đạt được nhiều kết quả, được đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước vừa qua. Phiên chất vấn cũng là dịp để các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo rõ với Quốc hội để cùng tìm giải pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề còn tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong muốn, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.
Nhất trí với các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn chính lần này tiếp tục rà soát kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa đã đưa ra trước đó, nhất là những việc thuộc nhóm vấn đề chất vấn của Kỳ họp này, việc nào đã thực hiện tốt, việc nào còn khó khăn hoặc chậm chuyển biến, hướng giải quyết tới đây như thế nào, trách nhiệm ra sao.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng, gọn, rõ, đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu, việc tốt thì phát huy, việc chưa tốt thì nhận trách nhiệm, cầu thị để tới đây thúc đẩy tốt hơn; cho rằng, đây cũng là điều mà đại biểu và cử tri mong muốn.
Với các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đặt câu hỏi ngắn gọn, không quá 1 phút và mỗi lần nên tập trung vào 1 vấn đề để Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời.
Về các điều kiện bảo đảm phục vụ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chu đáo.
Theo chương trình, với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid - 19 và thiên tai. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội tập trung chất vấn về: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo tại cuộc làm việc do Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần trình bày cho biết, thực hiện quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Theo đó, để đảm bảo sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút và kiến nghị mỗi câu hỏi tập trung vào 1 vấn đề quan tâm nhất.
Đại biểu được tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.
Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội.
Phạm Thúy--ĐBND