Thứ năm, ngày 12/12/2024 01:36:14 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Không xuất hóa đơn khi bán hàng bị xử phạt thế nào?


Cập nhật: 5h7' ngày 07/11/2024


 Thứ Ba 05/11/2024 06:59 (GMT+7)

Luật sư Lê Hiếu.
Luật sư Lê Hiếu.
 
0:00/0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Thanh Thúy (Hà Nội) hỏi: Cửa hàng tiện lợi gần nhà tôi thường xuyên không xuất hóa đơn cho người mua hàng. Xin hỏi, hành vi người bán hàng không xuất hóa đơn cho người mua bị xử phạt như thế nào?

- Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng: Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ nêu rõ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Như vậy, pháp luật quy định người bán hàng bắt buộc phải xuất hóa đơn bán hàng cho người mua.

Căn cứ theo khoản 5, khoản 6 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải lập hóa đơn theo quy định khi người mua có yêu cầu.

 

Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức (căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).

Như vậy, doanh nghiệp, tổ chức không xuất hóa đơn cho người mua sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đối với cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh bán hàng mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, đồng thời buộc phải lập hóa đơn khi người mua có yêu cầu.

Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ (trừ trường hợp đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng) nếu bị Cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế thì bị xử lý như sau: Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế mà có một tình tiết tăng nặng. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có hai tình tiết tăng nặng. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

 

Người nộp thuế phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, nếu hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng mà cấu thành tội Trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm đối với cá nhân vi phạm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

tin cùng chuyên mục