Cho tôi hỏi, theo quy định hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng là bao nhiêu? – Câu hỏi của bạn Nguyễn Vũ (Bắc Ninh).
Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Có cần phải xin giấy phép xây dựng khi xây nhà ở không?
Căn cứ Điều 107 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình như sau:
Điều 107. Điều kiện khởi công xây dựng công trình
1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;
...
2. Việc khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về cấp giấy phép xây dựng như sau:
Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
...
Như vậy, xây dựng nhà ở phải xin giấy phép xây dựng và phải đáp ứng các điều kiện trên để xây dựng nhà ở, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014.
Mức xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự xây dựng như sau:
Điều 16. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
...
7. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
...
15. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.
16. Đối với hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này mà đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định này.
17. Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Như vậy, mức xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể là:
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
Đồng thời, buộc phá dỡ nhà ở (mà hành vi vi phạm đã kết thúc).
Lưu ý:
- Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. (Căn cứ tại điểm c, khoản 3, Điều 4, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP)
- Hành vi trên mà đang thi công xây dựng, ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Thái Yến--ĐBND