Các khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Khống chế dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, mà an sinh xã hội là vấn đề quan trọng nhất. Với quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể của mọi phát triển kinh tế thì điều đó càng đúng. Nhìn lại, chúng ta đã khống chế dịch bệnh tốt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện khó khăn như thế này, kinh tế tăng trưởng, xã hội trở lại năng động, hướng tới tương lai với niềm tin, như TS. Hiếu nói là phải có niềm tin để thúc đẩy. Bây giờ trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần lưu ý điều gì đặc biệt trong điều hành của Chính phủ, sự tham mưu cho Chính phủ trước hết là trong phòng, chống dịch. Với giai đoạn như thế này, điều kiện như thế này, chúng ta cần phải quan tâm đến điều gì, nhất là trong điều hành để khống chế dịch bệnh tốt hơn? Xin ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương!
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Một số điểm cần lưu ý nhất để chủ động điều hành công tác phòng chống dịch là: Dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian; nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Hiện nay đất nước ta mở cửa, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi. Vì vậy tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết số 38 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất hyết, tay chân miệng, Adenovirus. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng, chống dịch.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, chúng ta cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất. Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 vì chúng ta qua các đợt dịch đặc biệt là đợt dịch thứ 4 chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực là các định hướng Chính phủ chú ý điều hành thời gian tới vẫn là tập trung để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thúc đẩy tiêm vaccine. Một loạt chính sách liên quan đến ngành y tế có lẽ cũng cần được quan tâm. Tôi chia sẻ với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế. Quả thực, chính sách đối với ngành y tế có lẽ cũng cần phải nghiên cứu, tính toán. Rồi giải quyết vấn đề về thiếu hụt thuốc, vật tư thiết bị y tế cũng đang là vấn đề. Các chế độ chính sách khác để có được đối xử công bằng với các chiến sĩ ở tuyến đầu hay các "thiên thần áo trắng" như nhiều người gọi. Hồi chống dịch, không khác gì ra mặt trận, người ta hy sinh cũng cần được công nhận là liệt sĩ.
Xin hỏi TS. Angela Pratt, đâu là điểm quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2022, 2023 và những năm tới?
TS. Angela Pratt: Tôi thấy rằng rõ ràng y tế và kinh tế là hai phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau khi chúng ta đang nỗ lực để cân bằng sức khỏe cộng đồng và mở cửa nền kinh tế và xã hội để đạt được sự phát triển hơn nữa.
Điểm quan trọng thứ hai cần nhớ là đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Tôi đã từng bị COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ. Nếu ai đó bị nặng, kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta nên cố gắng để tránh nhiễm bệnh.
Chúng tôi thực sự khuyến khích mọi người tuân theo các nguyên tắc 2K + plus, tức là đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên và quan trọng là tiêm vaccine phòng bệnh. Mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ theo lịch của cơ quan y tế. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tiêm chủng ở trẻ em.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi diễn biến của COVID-19 và chủ động, sẵn sàng năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị các điều kiện y tế trong trường hợp dịch có thể bùng phát ở mức độ cao. Ngoài ra, cũng cần chú trọng các biện pháp linh hoạt, thích ứng về y tế công cộng để bảo vệ sức khoẻ cho các đối tượng dễ bị tổn thương.
Thực sự người Việt Nam đã hy sinh rất nhiều, làm việc không biết mệt mỏi, đồng lòng, đoàn kết trong công tác phòng chống COVID-19 với mục tiêu là bảo vệ sức khoẻ người dân, giúp duy trì và phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần xây dựng một Việt Nam vững vàng và khoẻ mạnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực thông điệp và lời khuyên của TS. Angela Pratt rất rõ. Đúng là sức khỏe người dân và kinh tế gắn kết với nhau, không thể thiếu cái này lại có cái kia. Kinh tế sẽ vô nghĩa nếu người dân không khỏe mạnh. Thông điệp thứ hai chúng ta cần ghi nhớ là COVID chưa kết thúc. Chúng ta còn phải tiếp tục có giải pháp tích cực. Cũng câu hỏi đó nhưng rộng hơn, không chỉ lĩnh vực y tế, những điểm cần lưu ý nhất trong điều hành của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu phát triển trong cả năm 2022, năm 2023 và những năm tới là gì. Xin hỏi TS. Phan Đức Hiếu?
TS. Phan Đức Hiếu: Tôi thấy có 2 điểm lớn. Đầu tiên, chúng ta biết rằng không phải chỉ nước ta, rất nhiều nước qua dịch bệnh COVID vừa qua đều cho rằng, khung thể chế và cách hoạt động của các Chính phủ bộc lộ nhiều yếu kém và cần điều chỉnh. Cả thế giới đều có quan điểm như vậy.
Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng có những vấn đề tương tự, như Bộ Y tế vừa nói. Do đó, vấn đề hiện nay là không nên để các hạn chế đó tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội sau đại dịch. Người dân và doanh nghiệp vừa rồi cũng đã chia sẻ rất nhiều. Hiện nay dịch bệnh chưa kết thúc và khó khăn của doanh nghiệp cũng chưa kết thúc. Tôi rất mong muốn sớm kết thúc những khó khăn về thể chế.
Vừa rồi, trong dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ là không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trừ khi có những vi phạm rõ ràng. Sau đại dịch, doanh nghiệp cũng cần thêm thời gian để phục hồi nên theo tôi cũng vẫn nên tiếp tục chính sách này vì có những việc có thể không tuân thủ 100% theo quy định nhưng vẫn mang lại kết quả tốt. Phải làm sao việc xử lý sau đại dịch ít tạo ra những tác động tiêu cực đến người dân và DN. Sắp đến Ngày Doanh nhân, tôi rất mong muốn gửi gắm thông điệp này đến các cơ quan liên quan.
Về dài hạn, báo cáo của G20 đã nói rằng phục hồi không phải đứng dậy trên con đường cũ mà là ổn định nhanh nhưng bền vững trên con đường mới. Những con số tăng trưởng chúng ta đạt được vừa qua rất phấn khởi, nhưng nhìn về dài hạn, chất lượng của tăng trưởng vẫn còn những điểm cố hữu chưa được giải quyết triệt để.Ví dụ, dự kiến các chỉ tiêu tăng trưởng đều đạt và vượt, nhưng chỉ tiêu về năng suất lao động lại chưa đạt, như vậy chất lượng tăng trưởng vẫn chưa thực sự bền vững.
Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong giai đoạn vừa qua bằng thể chế, chính sách, điều hành… Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa vì sắp tới thách thức còn rất nhiều.
Một vấn đề nữa là chúng ta cần phát triển xanh, kinh tế xanh bao trùm là yếu tố quan trọng. Đây là điều không chỉ Nhà nước làm mà cần sự thay đổi của chính DN. Nhà nước không thể làm thay DN được. Cả 2 bên cùng phối hợp, Nhà nước có chính sách hợp lý, DN cũng cần tự thay đổi. Bởi phát triển theo hướng xanh hơn mang lại lợi ích cho DN, tiết kiệm năng lượng hơn. Tới đây châu Âu có thể đánh thuế cao hơn với carbon khi xuất khẩu, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, phát triển xanh là con đường chúng ta không có lựa chọn.
Chúng ta có nhiều chính sách rồi nhưng việc thực thi chính sách phải đầy đủ, kịp thời, toàn diện. Vì chính sách không kịp thời thì chính sách không phát huy được đầy đủ, kịp thời thì thành quả chúng ta sẽ tốt hơn nữa. Khi chính sách không toàn diện DN không được tiếp cận công bằng sẽ tạo ra sự méo mó. Chính sách cần thực thi kịp thời, đầy đủ và công bằng. Đây là điều chúng ta cần thực hiện tốt hơn. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa, khi có chính sách tốt thì khâu tổ chức thực thi chính sách cũng cần tốt hơn.