(PLO)- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Tôi và anh L có xảy ra tranh chấp nên dẫn đến việc anh L dùng “đá” chọi làm cửa kính nhà tôi bể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của tôi. Trước khi anh L thực hiện hành vi này còn đăng lên Facebook nhằm đe doạ gia đình tôi (chỉ đích danh gia đình của tôi).
Xin hỏi, hành vi của anh L sẽ bị xử phạt như thế nào? Tôi phải làm thế nào?
Bạn đọc TH (Vĩnh Long)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời, hành vi trên được xem là hành vi phá hoại tài sản của người khác, có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Bên cạnh đó, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Tuỳ vào giá trị của tài sản và hành vi gây ra mà tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Có thể người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm như đã nêu trên hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm, từ 5-10 năm và cao nhất là từ 10-20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người phạm tội còn phải thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, trường hợp trên nếu có đầy đủ căn cứ cho thấy anh L đe dọa gia đình bạn đọc, anh L có thể sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022). Lưu ý mức xử phạt cho hành vi này áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân mức phạt tiền bằng 1/2 đối với tổ chức (căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020).
(PLO)- Chủ nợ đăng ảnh con nợ lên mạng xã hội nhằm mục đích đe dọa, đòi tiền nhưng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
HUỲNH THƠ--PLO