China Daily cho biết, sau khi Cơ quan Chống tham nhũng tỉnh Hồ Bắc kết thúc cuộc điều tra kỷ luật đối với Trần Tuất Nguyên và chuyển vụ việc, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hồ Bắc đã chỉ định Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hoàng Thạch thực hiện việc truy tố.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hoàng Thạch đã truy tố công khai đối với Trần Tuất Nguyên tại Tòa án nhân dân trung cấp Hoàng Thạch, theo Tân Hoa xã.

Các công tố viên Hoàng Thạch tiết lộ rằng, ông Trần đã lợi dụng nhiều chức vụ khác nhau, bao gồm vị trí Chủ tịch Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc, để tìm kiếm lợi nhuận bất chính cho người khác và sau đó nhận hối lộ “cực lớn”.

Cựu quan chức bóng đá này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật, cơ quan công tố cho biết thêm.

Trần Tuất Nguyên, 67 tuổi, quê ở Thượng Hải, bắt đầu công việc của mình vào năm 1973 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1979.

Ông từng là Phó Giám đốc Cảng vụ Thượng Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc vào tháng 8/2019 và Phó Bí thư Đảng ủy Liên đoàn vào tháng 12 cùng năm.

Ông bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật vào tháng 2 vừa qua.

Việc truy tố Trần Tuất Nguyên là diễn biến mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng trong bóng đá của Trung Quốc. Tại đó đã chứng kiến cuộc điều tra cựu Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Trung Quốc Lý Thiết (Li Tie).

Trần Tuất Nguyên (áo xanh), và Lý Thiết (người đứng giữa) là các quan chức bóng đá bị điều tra về vi phạm pháp luật và kỷ luật. Ảnh: Sohu

Trước khi Trần Tuất Nguyên bị truy tố, Lý Thiết đã bị buộc tội nhận hối lộ vào tháng 8.

Lý Thiết, 46 tuổi, quê ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, từng là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc xác nhận, vào năm 2020 đã ký hợp đồng với Lý để ông huấn luyện Đội tuyển Quốc gia đến năm 2026. Tuy nhiên, 4 tháng sau, ông này đã nộp đơn từ chức do thành tích tệ hại tại vòng loại khiến Trung Quốc không thể đoạt tấm vé tham dự vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar.

Vào tháng 11 năm ngoái, cựu huấn luyện viên này đã bị điều tra bởi một nhóm kiểm tra kỷ luật và giám sát tại Tổng cục Thể thao Trung Quốc, do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia cũng như Ủy ban Giám sát tỉnh Hồ Bắc cử đi điều tra.

Cuộc điều tra đã gây ra một phản ứng dây chuyền và ngay sau đó, hàng chục quan chức bóng đá cũng bị "sờ gáy", bao gồm cả cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trần Tuất Nguyên và cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn Li Yuyi.

“Vẫn còn một chặng đường dài để xóa bỏ sự tồn tại của các hành vi không lành mạnh như cá cược bóng đá và tăng cường giáo dục, giám sát các quan chức trẻ”, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc nhận định.

Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong bóng đá nước này bắt đầu vào tháng 11/2022, hơn 10 quan chức cấp cao liên quan đến bóng đá đã bị giam giữ hoặc điều tra về các vi phạm pháp luật và kỷ luật.

Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong bóng đá Trung Quốc bắt đầu vào tháng 11/2022, hơn 10 quan chức cấp cao liên quan đến bóng đá đã bị giam giữ hoặc điều tra về các vi phạm pháp luật và kỷ luật. Ảnh minh họa: CFP 

Trần Tuất Nguyên, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đầu tiên được bầu không xuất thân từ thể thao, từng có rất nhiều phát ngôn đanh thép về chống tham nhũng. Ông từng nói rằng “những vi phạm kỷ luật trong bóng đá đã đến lúc phải điều chỉnh và xóa bỏ”.

Ngày 19/1, khi Lưu Nghị (Liu Yi), cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc và Trần Vĩnh Lượng (Chen Yongliang), Phó Tổng Thư ký Liên đoàn, kiêm Trưởng Ban Quản lý Đội tuyển Quốc gia bị điều tra vì những vi phạm nghiêm trọng, Trần Tuất Nguyên với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá đã tổ chức cuộc họp mở.

Tại đó, ông tuyên bố hành động bắt giữ 2 quan chức nêu trên “thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và ý chí kiên quyết, không khoan nhượng thực hiện nghiêm túc đường lối, nghị quyết của Trung ương Đảng Trung Quốc trong đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bóng đá”.

Ông cũng nhấn mạnh “những người có chức vụ phải lấy đây làm bài học, phải biết sợ hãi và luôn giữ mình, với mục đích kiến tạo nền bóng đá trong sạch”.

Một lần khác, tại cuộc họp của Liên đoàn Bóng đá với nội dung phòng, chống tham nhũng vào ngày 9/2, Trần Tuất Nguyên tiếp tục có những phát biểu đanh thép về thúc đẩy sự quản lý toàn diện, chặt chẽ của Đảng ủy Liên đoàn, và nhắc nhở “chống tham nhũng không có ngoại lệ”.

Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau (14/2), Trần Tuất Nguyên đã bị tạm giữ để điều tra trong chiến dịch truy quét tham nhũng.

Cao Chí Đan (Gao Zhidan), Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc cho biết, các cơ quan thể thao nước này đã tiến hành phản ánh sâu sắc về các vấn đề nảy sinh trong bóng đá và các lĩnh vực khác, đồng thời cam kết "chữa bệnh [tham nhũng] bằng thuốc cực mạnh".
Hoài Phương--Bao Thanhtra