Thứ năm, ngày 12/12/2024 01:47:44 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV: Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)


Cập nhật: 3h8' ngày 28/11/2023


 Thứ Hai, 27/11/2023, 15:52

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, chiều nay, 27.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với 468/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

 
 

Cấm lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 Chương, 86 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật quy định, nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Luật quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm đó là: Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Luật cấm các hành vi: Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục; Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ; Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

Ưu tiên phục hồi “dòng sông chết”

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, liên quan đến quy định tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, có ý kiến đề nghị hoàn thiện nội dung quy định đối với cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp tại Điều 69 để đảm bảo tính công bằng, hợp lý, linh hoạt. Cân nhắc chỉ thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt cho sản xuất nông nghiệp ở quy mô có tính chất kinh doanh; giao Chính phủ quy định cụ thể trường hợp miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp.

Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tại Điều 69 quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định các trường hợp phải nộp tiền (khoản 1 Điều 69); trường hợp miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoản 3,4 Điều 69). Theo đó, việc khai thác sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp (quy mô lớn) thuộc diện cấp phép phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng, hợp lý với các ngành kinh tế khai thác, sử dụng nước (điểm b khoản 1 Điều 69). Tuy nhiên, thời điểm cấp quyền khai thác tài nguyên nước với đối tượng này sẽ thu cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá (khoản 4 Điều 86).

Đối với sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thuộc đối tượng cấp phép thì dự thảo luật quy định không phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp (khoản 2 Điều 69), bao gồm cả người nông dân trực tiếp khai thác nguồn nước mặt cho nông nghiệp; quy định giảm tiền cấp quyền đối với trường hợp “ Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm mặn” (điểm d khoản 4 Điều 69) và để thể hiện rõ chính sách thu tiền cấp quyền đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 72 và Điều 74 dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân tại khoản 5 Điều 34;  khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước tại khoản 4 Điều 72; xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại điểm a khoản 1 Điều 74 thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

 
Hoàng Ngọc--ĐBND

tin cùng chuyên mục

 
  • Sửa Luật để hạn chế tiêu cực trong đấu thầu(17-05-2013)
  • Luật “xa” thực tế vì… phản biện “hình thức”(17-05-2013)
  • Bỏ hình thức di chúc chung của vợ chồng?(17-05-2013)
  • “Khoảng trống” còn lớn trong quy định về người đồng tính(16-05-2013)
  • Bộ TT&TT bị đứng “ngoài cuộc“ trong phạt vi phạm về quảng cáo?(16-05-2013)
  • Lãng phí khó tính hết bằng tiền từ việc xây dựng văn bản(15-05-2013)
  • Thêm cơ hội phục thiện cho người chưa thành niên vi phạm(13-05-2013)
  • Đổi mới Tòa án để đảm bảo quyền tiếp cận công lý(11-05-2013)
  • Quy định về hộ gia đình “làm khó“ người giao dịch dân sự(06-05-2013)
  • Luật chưa phải “cây gậy thần“ ngăn tình trạng mua bán người?(06-05-2013)
  • Mã số công dân: Nhìn từ thành công của châu Âu(04-05-2013)
  • Phụ nữ Việt Nam mơ luật bỏ tù chồng ngoại tình như Hàn Quốc(04-05-2013)
  • Thừa phát lại không được lập vi bằng về bí mật đời tư(03-05-2013)
  • Lỗ hổng pháp luật trong bảo vệ bí mật đời tư(03-05-2013)
  • Người đồng tính chỉ được cưới sau khi xác định lại giới tính?(01-05-2013)
  • Miễn trách nhiệm hình sự thế nào để tránh hàm oan, lọt tội?(30-04-2013)
  • Nguồn “đóng“, Luật hình sự “chạy đuổi“ thực tế(26-04-2013)
  • Kêu oan vì được... miễn tội(24-04-2013)
  • “Nguy hiểm”… quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất?(23-04-2013)
  • “Luật HNGĐ phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người”(22-04-2013)