Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/11/2012, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chủ trì phối hợp với Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN và Ngân hàng Thế giới tổ chức họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện, Bộ phát triển quốc tế Anh, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì buổi họp báo.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đức Lượng nhấn mạnh, tham nhũng là vấn nạn không chỉ đối với Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với những mức độ, biểu hiện khác nhau, không phụ thuộc ở chế độ chính trị hay trình độ phát triển. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận định là còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dự luận xã hội. Các giải pháp phòng, chống tham nhũng thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Ông Trần Đức Lượng nhấn mạnh thêm, việc nhận định tình hình tham nhũng ở một quốc gia luôn là việc khó khăn, phức tạp bởi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật có độ ẩn cao. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều vấn đề liên quan đến tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng có thể được nhận diện ở những giác độ nhất định thông qua việc thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học đối với những nhóm đối tượng có liên quan.
Bên cạnh đó, ông Trần Đức Lượng cho biết, do có những hạn chế nhất định trong việc tổ chức triển khai cuộc khảo sát như được trình bày trong Báo cáo khảo sát, nên kết quả khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến tổng thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam, chưa thể phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về thực trạng tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, những người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Bà Vitoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình là, thông điệp chính của báo cáo này là: tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng không phải là không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đồng thời bà Vitoria Kwakwa khẳng định rằng: Các cuộc khảo sát sẽ không chấm dứt nạn tham nhũng; Một báo cáo sẽ không làm tham nhũng biến mất; Các báo cáo chỉ có thể chiếu một tia sáng lên những gì cần phải làm. Điều này tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo của Việt Nam – những nhà lãnh đạo chính trị, những đại biểu dân cử, những lãnh đạo của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự và các nhóm công dân – những người sẽ giúp chiếu ánh sáng vào bóng tối, chuyển từ tham nhũng sang liêm chính và tiến hành sự thay đổi. Khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình, thời điểm để hiện đại hóa các thể chế phòng, chống tham nhũng chính là thời điểm này.
Ông Ngô Mạnh Hùng đại diện cho TTCP đã trình bày cụ thể 5 nội dung của quá trình tiến hành khảo sát xã hội học đó là, Bối cảnh cho khảo sát; Chuẩn bị cho khảo sát; Tiến hành khảo sát tại thực địa; Giám sát trong và sau khi khảo sát; Nhập liệu và phân tích. Đại diện cho Ngân hàng Thế giới ngài James Anderson trình bày kết quả khảo sát cho thấy, 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, 28% người dân trả chi phí không chính thức. Tuy kết quả khảo sát như vậy nhưng 52% doanh nghiệp có các hoạt động phòng, chống tham nhũng, 43% người dân sẽ tố cáo tham nhũng, 85% số cán bộ, công chức nói nhận thức về tham nhũng đã được nâng cao.
Tại buổi công bố kết quả khảo sát, các đối tác phát triển đã chia sẻ những khó khăn, đánh giá cao quyết tâm và tiếp tục bầy tỏ sự tin tưởng đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam./.
Thanh Loan