fiogf49gjkf0d
Pháp Lý) – Thời gian vừa qua, có không ít vụ Thẩm phán hoặc Chánh án toà án vòi vĩnh tiền “chạy án” công khai và trắng trợn được phanh phui. Vấn nạn tham nhũng trong ngành tòa án một lần nữa lại báo động…
Ngang nhiên vòi tiền bị cáo để xử nhẹ tội
Một vụ việc diễn ra tại huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa, bị cáo đã tố thẩm phán và những người làm tại các cơ quan tố tụng đe dọa không cho bị cáo mời luật sư và vòi tiền bị cáo. Theo đó, vào tháng 3/2014, người dân xã Tiến Nông (Huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa) tố cáo về việc chủ tịch xã Nguyễn Bá Quý có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế làm thất thoát tiền của dân. Sau đó ông Quý bị cơ quan chức năng khởi tố bị can. Phiên tòa xét xử bị cáo Quý dự kiến mở vào ngày 4/9.
Theo lời của ông Quý: Sau khi ông mời luật sư bào chữa thì tòa, viện “kiếm chuyện”. Ngày 18/8, trong buổi làm việc, Kiểm sát viên Nguyễn Đình Hà dọa: “Nếu tiếp tục mời luật sư, tôi sẽ làm nghiêm và đề nghị TAND huyện Triệu Sơn tuyên phạt 10 năm tù”. Khi hồ sơ sang tòa, ông Quý đến gặp ông Lê Ngọc Hiệp – Chánh án TAND huyện Triệu Sơn thì ông này đe: “Nếu không rút luật sư thì tôi sẽ xử bảy năm tù. Nếu ông rút luật sư thì tôi xử ông ba năm tù hoặc ba năm rưỡi và có thể chiếu cố cho hưởng án treo”. Sau đó, ông Hiệp gợi ý cho ông Quý lo tiền bồi dưỡng và sang gặp Thẩm phán Lê Thị Thu. Cầm 10 triệu sang gặp bà Thu, ông Quý lại tiếp tục được giới thiệu, hướng dẫn gặp Thư ký toà án Lê Sĩ Thuần. Tại đây, sau khi nhận 10 triệu của ông Quý ông Thuần vòi thêm 20 triệu và nói “được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%”.
Vì tiền, thẩm phán sẽ tuân theo điều gì để xét xử (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Ông Quý đã ghi âm những cuộc mặc cả trên và viết đơn tố cáo những người tham gia tố tụng trong vụ án của mình. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Trọng Trạng, Viện trưởng VKSND huyện Triệu Sơn, cho biết: “Trước ngày xét xử, VKS đã nhận được đơn tố cáo cùng băng ghi âm của ông Nguyễn Bá Quý. Vì thế chúng tôi đã thay kiểm sát viên giữ quyền công tố Nguyễn Đình Hà bằng người khác. Tuy nhiên, tố cáo của ông Quý còn liên quan đến các cán bộ, thẩm phán, chánh án của Tòa án huyện Triệu Sơn nên VKS đã ra công văn yêu cầu hoãn phiên tòa để xem xét nội dung tố cáo”.
Ngày 18/9, ông Lê Đức Thịnh, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, thông tin lại báo chí cho biết: Trong giải trình với Tòa án tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Ngọc Hiệp – Chánh án TAND huyện Triệu Sơn; Thẩm phán Lê Thị Thu; thư ký tòa án Lê Sỹ Thuần thừa nhận tiếng nói trong các file ghi âm là của họ. Riêng thư ký Thuần thừa nhận có lấy 10 triệu đồng của bị cáo Nguyễn Bá Quý.
Ngày 18-9, đoàn công tác Cục Điều tra – VKSND Tối cao đã vào làm việc với TAND huyện Triệu Sơn. Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao – ông Nguyễn Anh Tiến cũng về Thanh Hóa trực tiếp làm việc với TAND huyện Triệu Sơn và TAND tỉnh Thanh Hóa về sự việc trên.
Thành viên đoàn công tác Cục Điều tra VKSNDTC cho biết, khi quá trình điều tra kết thúc, nếu có đầy đủ chứng cứ kết luận các đối tượng TAND huyện Triệu Sơn vi phạm pháp luật sẽ nhanh chóng báo cáo lên cấp trên khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, theo điều tra viên Cục 6, đến giờ này đã có nhiều chứng cứ để có thể đề xuất lãnh đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cục 6 sẽ tiến hành bắt tạm giam đối tượng mà không cần qua cơ quan CSĐT CA Thanh Hoá.
Chánh án nhận tiền chạy án trước ngày thăng chức
Trong một vụ án mà thẩm phán “khát tiền” khác, từng diễn ra ở Hà Nam. Một ngày trước khi chính thức trở thành Chánh án Toà án nhân dân huyện Thanh Liêm, ông Nguyễn Duy Hiệp sinh năm 1975 đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì tội nhận hối lộ 235 triệu đồng để hứa xét xử theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Liêm.
Theo đó, vụ việc trên liên quan đến dự án làm đường B2B tại thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Để khởi công dự án B2B, tổ kiểm kê, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được thành lập, gồm có Vũ Thị Nguyệt (30 tuổi) làm tổ trưởng và Đỗ Đức Tuân (29 tuổi) là thành viên. Trong quá trình kiểm kê, đền bù tài sản theo quy định của nhà nước, tổ kiểm kê gồm Nguyệt và Tuân đã móc nối với Đinh Quang Hưng (lao động tự do làm nghề khoan giếng) đã khai khống số lượng giếng khoan, chiếm đoạt của nhà nước hơn 24 triệu đồng.
Ngay sau khi vụ việc bị phát giác, Cơ quan điều tra, Công an huyện Thanh Liêm đã tiến hành khởi tố 3 người này về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong một lần đến TAND huyện, Đỗ Đức Tuân đã được Nguyễn Duy Hiệp (lúc này đang là Phó chánh án TAND huyện Thanh Liêm – PV) “gợi ý” về việc đưa tiền cho Hiệp để lo lót cho Tuân nhận mức án thấp nhất.
Tuy nhiên, dù đã lo lót đủ số tiền như yêu cầu của Hiệp nhưng đến ngày xét xử, Tuân vẫn phải chịu mức án 12 tháng tù giam. Quá bức xúc, Tuân đã làm đơn kháng cáo gửi Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam, đồng thời khai báo việc đưa tiền cho Hiệp. Qua xác minh tài liệu hồ sơ và lời khai nhân chứng, Cục Điều tra của VKSNDTC đã bắt Nguyễn Duy Hiệp và khám xét. Bước đầu, Hiệp đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Hiệp về tội “nhận hối lộ”.
Chánh án nhận hối lộ, tàng trữ vũ khí
Không chỉ liên quan đến tội nhận hối lộ, có những thẩm phán còn có lối sống “chẳng khác mấy tội phạm”. Đó là trong một vụ án ở Nam Đàn Nghệ An. Trong quá trình thụ lý hồ sơ vụ án Lê Văn Vân đánh bạc (bị cáo trú tại xóm 14 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn), ông Phan Văn Quang, Chánh án TAND huyện Nam Đàn đã tiếp cận và “gợi ý” sẽ xử án treo nếu ông Vân đồng ý giao nạp 20 triệu đồng. Sau khi gặp ông Quang và biết được mức tiền 20 triệu đồng cho việc thoát án tù ngồi, ông Vân có liên hệ và kể chuyện với một người họ hàng làm công chức ở tỉnh Nghệ An. Được vị này hướng dẫn, ông Vân đã báo với cơ quan chức năng và kết quả là ông Quang bị bắt vào chiều ngày 25/11 khi đang nhận tiền hối lộ.
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét phòng làm việc, nơi ở của ông Quang và thu được một khẩu súng K54, 10 viên đạn cùng nhiều vật chứng, trong đó có phong bì hàng chục triệu đồng đề tên một số người liên quan đến các vụ việc khác. Trước đó, tháng 10/2013, huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn đã yêu cầu TAND huyện Nam Đàn báo cáo về việc ông Quang bị dư luận phản ánh trong tác phong, lối sống, đạo đức nghề nghiệp.
Để Thẩm phán có “ bàn tay sạch”, xử án chỉ tuân theo pháp luật
Đáng buồn là những vụ việc nêu trên đây không phải là thực trạng mới mẻ mà đã được cảnh báo từ lâu. Ngoài những vụ việc, vụ án được thuật lại chi tiết như trên thì trước đây cũng từng có rất nhiều vụ thẩm phán, Chánh án một số tòa án bị bắt về nhận hối lộ, vòi vĩnh tiền của bị cáo bị xã hội lên án. Cụ thể: Thẩm phán Võ Trung Hiếu, nguyên Phó Chánh án Tòa án huyện Chợ Gạo, Thẩm phán Tòa án tỉnh Tiền Giang bị bắt vì nhận hối lộ, thẩm phán Bùi Thế Đức ra tòa vì tội nhận hối lộ, thẩm phán Nguyễn Minh Toàn ở Tòa án huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) ra tòa về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”…
“Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là một nguyên tắc hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và tại Điều 130 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và được tiếp tục khẳng định tại Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Nếu thẩm phán nhận tiền của một bên nào đó thì khi xét xử không biết thẩm phán sẽ tuân theo điều gì? Nếu không là bóp méo vụ việc để vụ lợi. Những vụ việc trên, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tham nhũng trong ngành tòa án.
Mới đây, tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 tại TP.HCM của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã đúc kêt: Công lý muốn được thực thi, cái chính là ở bản lĩnh, đạo đức của thẩm phán. Quyền lực, tiền bạc, tình cảm có sức mạnh vô biên, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được. Nếu những yếu tố này lọt vào các cơ quan tố tụng và quá trình tố tụng thì công lý sẽ phải “cắp cặp ra đi”.
Thẩm phán là người hiểu biết pháp luật, bởi vậy sẽ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của việc đưa nhận hối lộ nhằm chạy án. Thế nhưng trên thực tế, một số thẩm phán trong những vụ việc chúng tôi dẫn chứng ở trên vẫn không ngần ngại, bất chấp pháp luật để vòi vĩnh tiền bạc. Tham nhũng trong ngành tòa án là sự “mất mát” của chính ngành tòa án về cán bộ.
Tuy là chuyện “mất mát” của ngành tòa án nhưng lại là tín hiệu vui đối với xã hội. Ở đâu đó, người dân đã nhen lên ý thức về việc “tố” các cán bộ của Tòa, của Viện xử án vì tiền. Nếu ở đâu người dân cũng tôn trọng pháp luật, đặc biệt là mạnh dạn đứng lên tố cáo quan tham thì chẳng mấy ta sẽ có một môi trường pháp lý trong sạch.
Trước những vụ việc trên, thiết nghĩ ngoài việc xử lý thật nghiêm những vụ việc thẩm phán nhận hối lộ thì vấn đề chính yếu nhất lúc này phải là giáo dục pháp luật, sự tin tưởng vào pháp luật cho người dân, tiếp đến là xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án, rèn luyện bản lĩnh để Thẩm phán có trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch điều chỉnh cán cân công lý và công bằng xã hội.
Mai Mai – Thu Thuỷ (Tổng hợp)