Phản ứng chính sách không đồng đều
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn phát biểu tại phiên họp của Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
“Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong hai năm 2022 và 2023 có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Khẳng định điều này, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, thông qua nhiều cuộc điều tra trong cộng đồng doanh nghiệp 3 năm qua, VCCI nhận thấy các chính sách tài khóa có độ nhận diện cao với doanh nghiệp, có tác động tốt tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là chính sách miễn, giảm thuế phí, lệ phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với các bộ, ngành
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký VCCI cũng cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội, phản ứng chính sách của các bộ, ngành không đồng đều, một số chính sách do ban hành văn bản hướng dẫn và triển khai chậm dẫn đến đi vào cuộc sống chậm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu
Việc sử dụng 1.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để trang bị máy tính bảng theo quy định của Nghị quyết 43 chưa triển khai. Chính phủ cho biết, “vướng” ở việc thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định cho việc mua sắm máy tính bảng. Ngoài ra, khi trang thiết bị đầu cuối, máy tính bảng, thiết bị thông minh thì phải đi kèm với sóng di động. Tuy nhiên, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì hạ tầng không đồng bộ, không bảo đảm, có trang bị những thiết bị này cho học sinh cũng không dùng được. Như vậy, nếu đầu tư trang bị máy tính cho học sinh mà không sử dụng được thì có lãng phí không? Có phải do công tác dự báo khi đề xuất chính sách còn hạn chế nên không triển khai được trong thực tiễn?
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cũng chưa giải ngân trong khoản kinh phí 3.833 tỷ đồng để phát triển hạ tầng viễn thông, internet do thiếu các hướng dẫn thực hiện. Do vậy, doanh nghiệp không thể nào hấp thụ nguồn vốn này, tiến hành cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở những khu vực khó khăn. Chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối, máy tính bảng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng xác định số lượng thiết bị thấp hơn tổng số hộ gia đình được thụ hưởng chính sách này. Các cơ quan, đơn vị cần làm rõ trách nhiệm, cũng như trả lời rõ khi kiến nghị những chính sách này đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thì công tác dự báo, đánh giá tác động chính sách đã bảo đảm chưa?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải
Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cho thấy, hiện có khoảng 1/3 số chính sách có mức độ giải ngân thấp. Đơn cử, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại được kỳ vọng rất lớn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, chỉ đạt 3,05% tổng quy mô nguồn lực. Các chính sách cho vay mua nhà ở xã hội; cho vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến với sinh viên, học sinh; cho vay với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... cũng không giải ngân hết.
Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm rất lớn (79.040 tỷ đồng) thì lại không có nguồn để tiếp tục thực hiện, do dự báo không sát nên đã giải ngân vốn hết trước kế hoạch.
Do đó, Chính phủ đã phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chính sách cho vay ưu này để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhờ đó mới giải ngân hết nguồn vốn được Quốc hội giao.
Quốc hội cũng đã ban hành các Nghị quyết số 110/2023/QH15, Nghị quyết số 93/2023/QH15 cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến ngày 31.12.2024, cũng như quy định cơ chế điều hòa linh hoạt nguồn vốn. Nhưng, đến nay, vẫn còn 8 dự án chưa được phê duyệt quyết định đầu tư, 35 dự án chưa giải ngân kế hoạch vốn, chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực y tế và chuyển đổi số, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu chính sách đã đề ra.
Chậm, chưa triển khai vì văn bản hướng dẫn
Không chỉ chậm, một số chương trình, chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thậm chí còn chưa thực hiện được. Cụ thể, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được đánh giá là thành công trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa, song việc sử dụng 1.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để trang bị máy tính bảng theo Nghị quyết 43 chưa thực hiện được. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dù đã được cấp đủ số vốn 300 tỷ đồng từ Chương trình (trong đó năm 2022 là 150 tỷ đồng, năm 2023 là 150 tỷ đồng) nhưng hiện chưa được sử dụng cho mục đích hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch, không bảo đảm bám sát mục tiêu của Nghị quyết.
Trong thực hiện gói 14 nghìn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng…, việc Bộ Y tế tham mưu Chính phủ đầu tư các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng được đánh giá là không bám sát thực tiễn. Các dự án lĩnh vực y tế được duyệt không có dự án nào dành cho trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng theo nội dung chính sách đầu tư phát triển về y tế được nêu tại Nghị quyết 43.
Các thành viên Đoàn giám tại phiên họp của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 với các bộ, ngành
Quá trình giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Có thể thấy, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ việc đề xuất, xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế, trong khi việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, có quy định chưa rõ, chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể cũng làm chậm tiến độ thực hiện. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chậm, chưa bảo đảm tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu của Nghị quyết 43. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, dẫn đến điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội và chậm trễ trong phân bổ, giải ngân vốn. Một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách...
Tại Báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã giải trình tương đối cụ thể về nguyên nhân của những chính sách triển khai chậm hay chưa triển khai được. Một số bộ, ngành cũng đã xin rút chương trình, dự án không phù hợp, tiến độ thực hiện quá chậm ra khỏi Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng, rõ ràng, việc thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 43 chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung, đòi hỏi phải rút kinh nghiệm nghiêm túc trong đề xuất và thực hiện chính sách.