Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
“Vượt qua chính mình, mới thành công”
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tầm quan trọng của chủ trương này, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả.
“So với các quốc gia trên thế giới, bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Vì vậy, chúng ta khó tăng lương, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ biểu dương Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thời gian qua đã nỗ lực làm được rất nhiều việc. Nhưng ông cũng lưu ý, đây là việc khó, nhất là khi thời gian thực hiện chỉ còn khoảng 6 tháng, đến tháng 9 phải trình Ủy ban Thường Quốc hội xem xét.
Sắp xếp đơn vị hành chính là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người, nên phải làm thật kỹ lưỡng, theo Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng cho hay, 56 địa phương đã trình lên 56 đề án. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo là tháo gỡ khó khăn để kịp tiến độ đề ra.
Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này. “Chúng ta phải vượt qua chính mình thì mới thành công được”, Phó Thủ tướng nói.
Giai đoạn nước rút sắp xếp, sáp nhập 50 huyện và 1.243 xã
Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành - Bộ Nội vụ tổng hợp, trong năm sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến, sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện và 619 đơn vị hành chính cấp xã.
Bà Trà cho hay, điểm khác biệt của đợt này là nhiều địa phương chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo diện khuyến khích, nhất là số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập tăng lên rất nhiều so với phương án ban đầu, đạt tỷ lệ166,66% (50/30).
Theo kế hoạch đề ra, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộcác quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng.
“Thời gian không còn nhiều, chỉ còn lại 6 tháng, đây là giai đoạn nước rút, trong khi số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng có số lương đơn vị sắp xếp rất lớn. Vì vậy, các địa phương nỗ lực để hoàn thành”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Sẽ xem xét trách nhiệm địa phương né tránh sắp xếp đơn vị hành chính
Bà Trà cho hay, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trong đó, cùng địa phương giải quyết bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với đơn vị hành chính cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng…
Bên cạnh khen, động viên, khích lệ các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, Ban chỉ đạo cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.