Thứ bảy, ngày 05/10/2024 12:53:22 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

“Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”


Cập nhật: 8h54' ngày 07/05/2013


fiogf49gjkf0d

“Nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa”, nhà báo Mai Thúc Long, nguyên phó TGĐ Đài Tiếng nói VN nói.

Gần 58 năm tuổi nghề, trải qua nhiều vị trí như PV, BTV, phó TGĐ Đài Tiếng nói VN, trao đổi với báo Tuổi trẻ về đề xuất Báo chí phải cung cấp nguồn tin mới đây của Bộ Công an, nhà báo Mai Thúc Long khẳng định: “Bất kể một biện pháp nào nhằm hạn chế nguồn tin của báo chí sẽ làm hạn chế sự phát triển của xã hội”.

Sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí

Trả lời câu hỏi vì sao người dân cung cấp thông tin cho báo chí, tin cậy cơ quan báo chí hơn một số cơ quan công quyền của nhà báo Hoàng Điệp, báo Tuổi trẻ, nhà báo Mai Thúc Long nói: “Người dân có số liệu, tài liệu để cung cấp cho báo chí, có nghĩa là họ mong muốn cơ quan báo chí cùng họ điều tra để đưa được vụ việc tiêu cực ra ánh sáng, họ muốn báo chí cùng họ làm sáng tỏ một số bức xúc trong họ. Và từ những nguồn tin riêng, báo chí đã triển khai thành những tuyến bài, đóng góp rất lớn trong việc đấu tranh chống tiêu cực nảy sinh trong một số cơ quan công quyền và điều chỉnh một số chính sách bất cập của cơ quan nhà nước. Người dân nhận thức rõ điều đó và họ nhận thấy việc cung cấp thông tin cho báo chí mang lại hiệu quả đấu tranh cao.

19.1 410x230  Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân

Ông Mai Thúc Long - Ảnh H.Điệp/Tuổi trẻ

Gần đây nhất là vụ việc ở Tiên Lãng, nếu không có sự phát hiện và vào cuộc của các cơ quan báo chí, chưa chắc vụ việc đã được quan tâm đến thế. Đó là tác động của báo chí. Và trong bất kỳ tình huống nào, lẽ phải cũng cần được xác định một cách rõ ràng. Tất nhiên, cũng có người tố cáo sai, đưa thông tin sai lên các trang mạng, lợi dụng sự tự do báo chí và diễn đàn đưa thông tin không đúng sự thật. Nhưng nhà báo bằng nghiệp vụ của mình có thể xác minh việc tố cáo đúng sự thật không, có oan sai không… Cái hay của báo chí là ở chỗ đó, rất tích cực trong tham gia đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng để xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng bất kể một biện pháp nào nhằm kiểm soát nguồn tin báo chí sẽ hạn chế sự phát triển của xã hội.

Chưa hết, theo nhà báo Mai Thúc Long, nếu yêu cầu tiết lộ nguồn tin cho các cơ quan nhà nước như đề xuất của Bộ Công an thì sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân. Họ sẽ không dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến kết quả tác nghiệp của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Cần xem thông tin về phòng chống tham nhũng trên báo chí là nguồn tin từ dư luận xã hội. Nếu có gì chưa thỏa đáng, gây bất bình trong cộng đồng thì cơ quan nhà nước có quyền điều tra, xác minh và nếu có thiếu sót, đương nhiên cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm”, ông Long nêu quan điểm.

“Tôi không đồng tình với đề xuất của Bộ Công an”

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 khẳng định với báo điện tử Infonet về đề xuất sửa điều 7 Luật Báo chí của Bộ Công an mới đây.

19.2 410x332  Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12.

Theo ông Cuông, việc Bộ Công an đề xuất sửa đổi điều 7 Luật Báo chí: “…thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng” là quyền của Bộ Công an, tuy nhiên việc đề xuất đó có được dư luận, Quốc hội và các cơ quan thông tấn báo chí chấp nhận hay không lại là vấn đề khác.

Ông Cuông cho rằng, cơ quan truyền thông là người  trực tiếp đi thu thập thông tin từ người dân nhưng Bộ Công an lại ra những quy định trái khoáy, không thuận cho công việc cung cấp thông tin của người dân, khiến cho dư luận không đồng tình. Còn việc cơ quan điều tra muốn có thông tin của báo chí thì phải được sự đồng tình của báo chí hoặc muốn có thông tin thì cơ quan điều tra phải trả tiền để mua thông tin và còn xem báo chí có đồng ý cung cấp thông tin cho anh hay không, chứ không được dùng sức ép để bắt báo chí phải cung cấp thông tin cho mình.

“Trong khi hiện nay cơ chế để bảo vệ người chống tham nhũng của ta chưa tốt, mà Bộ Công an lại đưa ra quy định đề nghị báo chí cung cấp thông tin như vậy thì nó sẽ có tác hại và người dân thấy không an toàn, bất lợi, họ sẽ không cộng tác cung cấp thông tin cho phóng viên nữa. Như vậy vô tình sẽ làm thui chột vai trò của người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Theo tôi để đưa vào luật những vấn đề gì cần phải nhìn nhận vào nhiều khía cạnh, toàn cục, chứ không được theo hướng có có lợi cho một bộ, ngành nào và phải tính đến các hệ lụy của việc đề xuất đó có tác hại như thế nào”, ông Cuông nhấn mạnh.

“Liệu còn ai dám tố cáo?”

Báo Tiền Phong vừa dẫn lời TS. Dương Thanh Biểu, người từng tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng Luật Báo chí. Theo đó cá nhân ông không ủng hộ đề xuất sửa Điều 7 của Luật Báo chí theo hướng mở rộng đối tượng có thẩm quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin. TS. Biểu cho biết, trước đây chỉ có Viện trưởng VKSND có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin, sau đó bổ sung thêm Chánh án TAND.

Cũng theo ông Biểu, thực tế cho thấy chỉ có bên VKS yêu cầu cung cấp nguồn tin, còn phía TAND thì rất ít khi yêu cầu. “Nếu bổ sung thêm cơ quan điều tra nữa là rất khó. Theo tôi là không nên. Tôi cho rằng chỉ cần VKS nắm nguồn tin là được rồi, còn những cơ quan khác, nếu cần có thể qua cơ quan VKS. Khi đó, phía cơ quan nào sử dụng nguồn tin đó phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin. Nếu cơ quan nào cũng có quyền yêu cầu cung cấp nguồn tin thì ai còn dám cung cấp thông tin, tố cáo tham nhũng nữa!”- TS. Dương Thanh Biểu nhấn mạnh.

Hạn chế hiệu quả chống tham nhũng

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cũng không ủng hộ sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng mở rộng đối tượng có thẩm quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Thuyết cho rằng, Luật Báo chí càng cần phải cởi mở hơn theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của việc đề cao dân chủ hiện nay. Nếu bây giờ lại đặt vấn đề buộc báo chí cung cấp nguồn tin như thế, sẽ đi ngược lại xu thế chung, đi ngược lại với đạo đức báo chí.

Trong Luật Báo chí hiện hành đã quy định việc cung cấp nguồn tin, nhưng vụ việc phải nghiêm trọng và cơ quan yêu cầu là cơ quan tư pháp cấp tỉnh trở lên, không thể mở rộng thêm diện yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin.

19.3  Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn nữa cần phải sử dụng báo chí để tạo sức ép dư luận, răn đe, ngăn chặn.

“Có một thực tế là chúng ta rất lúng túng với việc nội bộ che giấu cho nhau, xí xóa, bỏ qua. Trong khi đó, nguồn tin của báo chí là khách quan, được người dân tin tưởng. Có thể nói báo chí hiện nay là một địa chỉ cho người dân trông cậy vào để đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là khi hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chức năng chưa cao. Quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng từ trước tới nay có đóng góp rất lớn của báo chí. Rất nhiều vụ do báo chí, do dư luận phanh phui ra, chứ không phải do các cơ quan chức năng. Nếu mà đề xuất như trên, còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Vì người tố cáo rất ngại bị trả thù. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người đấu tranh chống tham nhũng bị trả thù dã man…”- GS. Thuyết nói.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu quy định không đúng sẽ hạn chế cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thậm chí triệt tiêu sự tham gia của người dân và báo chí, dẫn tới hạn chế hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta.

Không thể làm ngược lại Luật tố cáo

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, luật sư Trần Đình Triển mới đây cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Theo luật sư Triển, căn cứ vào Luật tố cáo, theo khoản 2 điều 9  về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quy định: “Người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình”.

“Như vậy, người tố cáo với cơ quan báo chí, người cung cấp thông tin, bằng chứng đấu tranh phòng chống tiêu cực có quyền được giấu tên tuổi, nguồn tin của họ. Bởi vậy, khi họ cung cấp cho báo chí, báo chí cũng phải thực hiện đúng Luật tố cáo, không được phép tiết lộ nguồn tin đó.

Các cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan báo chí để làm rõ sự việc, chứ không có nghĩa là bắt buộc cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin. Hoạt động của báo chí phải tuân thủ những nguyên tắc pháp luật nói chung đó là quyền của người cung cấp thông tin, họ có quyền cung cấp cho người này và có quyền từ chối cung cấp cho người khác để đảm bảo sự an toàn cho người cung cấp tin. Điều đó đã được ghi nhận trong Luật tố cáo.

Luật báo chí cũng không thể vượt quá quy định pháp luật chung, không thể làm ngược lại Luật tố cáo”, ông Triển phân tích.

Cần phải mở rộng vai trò, quyền lực, phạm vi hoạt động cho báo chí

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Infonet, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12 cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn nữa cần phải sử dụng báo chí để tạo sức ép dư luận, răn đe, ngăn chặn.

“Tôi rất đồng tình với việc huy động báo chí vào công tác phòng chống tham nhũng hay có thể nói là “bật đèn xanh” để cho báo chí vào cuộc tốt hơn nữa trong công tác này, tất nhiên phải theo Luật báo chí, để chiến đấu với tham nhũng. Cần phải sửa Luật Báo chí để mở rộng vai trò, quyền lực, phạm vi hoạt động cho báo chí, tuy nhiên nếu cơ quan báo chí làm sai thì sẽ bị pháp luật sẽ xử lý, còn báo chí làm đúng theo lý tưởng, cũng như sự mong đợi của người dân thì rất tốt. Tôi cho rằng báo chí là lực lượng tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng rất hiệu quả”, ông Cuông nhấn mạnh.

Theo Giaoduc.net.vn

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)