fiogf49gjkf0d
Sáng qua (14/5), tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 của Mặt trận tổ quốc (MTTQ), Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam cho rằng, để tăng cường chất lượng hiệu quả của hệ thống pháp luật, phải coi trọng việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các dự thảo luật thông qua hoạt động góp ý, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên.
|
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu tại Hội nghị |
Lấy ý kiến chỉ để… làm đẹp hồ sơ dự án Luật
Sau 5 năm thi hành Luật ban hành VBQPPL năm 2008, công tác tham gia xây dựng VBQPPL của MTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ XHCN, tăng cường đồng thuận trong xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của hội viên, đoàn viên và các phong trào do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ trì, phối hợp thực hiện. Việc lấy ý kiến góp ý và phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam và một số tổ chức thành viên đối với các dự thảo VBQPPL về cơ bản tuân thủ đúng qui định của Luật Ban hành VBQPPL.
Song, đa số các ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều cho rằng, việc lấy ý kiến góp ý, trả lời thắc mắc về dự thảo VBQPPL hiện còn được thực hiện “rất hình thức” dẫn đến việc chất lượng hệ thống PL chưa đạt yêu cầu, thiếu thực tiễn, phần lớn do không thể hiện được hoặc thể hiện không đầy đủ ý chí của nhân dân, những đối tượng chịu sự tác động của VB.
Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Minh Thủy (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), pháp luật hiện hành chỉ qui định “phải lấy ý kiến một cách chung chung nên việc thực hiện nặng về hình thức. Chủ yếu làm đẹp hồ sơ thẩm định chứ chưa thể hiện ý kiến của các đối tượng điều chỉnh”. Việc thực hiện qui định về lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo VBQPPL như hiện nay “không thể hiện thiện chí của cơ quan soạn thảo” vì chỉ “đưa lên web những dự thảo… dài loằng ngoằng mà không hề có thông tin kèm theo” khiến người dân, tổ chức không biết phải góp ý như thế nào.
Vì thế, nhiều dự thảo không hề có ý kiến góp ý. Bên cạnh đó, đại diện các Hội đồng tư vấn của TƯ MTTQ Việt Nam cũng “qui lỗi” cho việc thiếu cơ chế giải trình, tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp vào các dự thảo VBQPPL khiến “người dân nản, không muốn góp ý”, nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội.
Tăng phản biện để luật hợp lòng dân
Đó là giải pháp được nhiều chuyên gia tán thành khi góp ý vào việc tổng kết thi hành Luật ban hành VBQPPL của MTTQ. Luật gia Lê Đức Tiết cảnh báo, “pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khó kiểm tra là mầm mống của rối loạn, pháp luật không công khai, minh bạch là mảnh đất để quan chức bóp nặn dân”. Luật gia này cho rằng, các mâu thuẫn luật pháp cần được giải quyết qua việc sửa đổi các qui định liên quan đến ban hành VBQPPL. Trong đó chú trọng đến việc hệ thống hóa để pháp luật không như một “mớ hàng xén”.
Muốn vậy, Luật gia Lê Đức Tiết đề nghị, xây dựng một đạo luật chung ban hành VBQPPL phải nhấn mạnh đến vai trò của MTTQ trong việc đóng góp xây dựng nền PL của dân, do dân và vì dân thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ và các tổ chức thành viên, trao cho MTTQ quyền kiến nghị chương trình làm luật, không để tình trạng “cơ quan nào mạnh thì đưa dự thảo luật vào chương trình” và được thay mặt nhân dân để chỉ ra và phản ánh với Quốc hội.
Với nhận định, nhiều qui định đã không thể đi vào cuộc sống, việc thực thi pháp luật rất kém không chỉ ở người dân mà cả cơ quan nhà nước nhưng không ai chịu trách nhiệm dù theo qui định là cơ quan hành pháp, GS. Lưu Văn Đạt đề nghị tổng kết vấn đề này để có giải pháp khắc phục trong dự thảo Luật mới về ban hành VBQPPL. Đồng thời, bà Hà Thị Thanh Vân (TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) kiến nghị luật ban hành VBQPPL mới phải thể hiện được cơ chế giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với các dự thảo.
Đại diện các tổ chức thuộc MTTQ cũng kiến nghị, bản thân MTTQ, nhất là các hội đồng tư vấn phải “chủ động tham gia xây dựng pháp luật, nhất là những VB lớn, có sự quan tâm của nhân dân như luật đất đai… để hạn chế việc ban hành luật khung khiến “mỗi kỳ họp Quốc hội ban hành nhiều Luật xong rồi… để đấy” vì không thể triển khai.
“Hệ thống và qui trình xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế như cồng kềnh, mâu thuẫn, tính khả thi không cao, bản thân Luật ban hành VBQPPL cũng chưa rõ ngay cả ở những vấn đề cơ bản nhất, còn có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL… khiến thực tiễn thi hành nhiều vướng mắc. Ý kiến của MTTQ thể hiện ý chí của người dân đối với các dự thảo VBQPPL nên đối với Bộ Tư pháp và nhiều Bộ, ngành, cơ quan khác là rất quan trọng để có hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ, khả thi hơn. Bộ Tư pháp sẽ chú ý đến những qui định, qui trình cụ thể mà 2 Luật ban hành VBQPPL hiện hành chưa thể hiện được, trong đó đảm bảo cho sự tham gia của các chủ thể như MTTQ tránh tính hình thức, phát huy được hiệu quả, vai trò phản biện xã hội và giám sát của MTTQ”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
|
Huy Anh