fiogf49gjkf0d
Điều 52 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên trên thực tế, những vấn đề của cộng đồng nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là người đồng tính) vẫn đang là một “khoảng trống” trong chính sách, pháp luật Việt Nam.
Đây là nhận định của TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) xung quanh những quy định pháp luật hiện hành về cộng đồng người đồng tính.
Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Lấy tỷ lệ trung bình, an toàn mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15 đến 59 ở Việt Nam tạm tính vào khoảng 1,65 triệu người. Điều 52 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục của cá nhân.
Tuy nhiên, có thể nói, cộng đồng người đồng tính đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức. Thách thức lớn nhất có lẽ là thái độ định kiến và phân biệt đối xử, từ trong gia đình, trường học, trong các cơ sở y tế và trên truyền thông. Chính những thái độ này đã khiến người đồng tính phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần do sự khác biệt về xu hướng tính dục và bản dạng giới so với số đông, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ít cơ hội công ăn việc làm để đảm bảo sinh kế cho bản thân cũng như đóng góp cho xã hội.
Những bất cập trong chính sách pháp luật đối với các vấn đề của người đồng tính khiến họ ở vào tình thế tiến hóa lưỡng nan, không được bảo vệ những quyền nhân thân cơ bản của con người.
Tại Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức với sự phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào hôm qua – 10/5, TS Đinh Xuân Thảo cũng chia sẻ: “Những vấn đề của cộng đồng người đồng tính vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách, pháp luật Việt Nam. Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn”.
Ông Thảo dẫn chứng, dù không trực tiếp đề cập tới những người chuyển giới, nhưng vô hình trung Nghị định số 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ lại là văn bản duy nhất tới thời điểm hiện tại có quy định một vấn đề của người chuyển giới.
Với Điều 4 khoản 1 nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”, Nghị định mở ra cơ hội cho những người liên giới tính để phẫu thuật xác định giới tính, nhưng đóng lại cơ hội cho những người chuyển giới để phẫu thuật thành giới tính mong muốn của mình. Như vậy, Nghị định 88 đã khiến cho việc cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới hầu như là không thể, và đó là nỗi trăn trở lớn với những người chuyển giới.
Hay gần đây nhất, Thông tư 27/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định công dân buộc phải ghi giới tính trong chứng minh thư. Trước đây, chứng minh thư chỉ có các thông tin như họ tên, ngày sinh, nguyên quán, địa chỉ hộ khẩu, dân tộc và tôn giáo. Nhưng theo quy định mới này, giấy chứng minh phải có tên cha mẹ, tên gọi khác và giới tính. Điều ấy càng đặt người chuyển giới vào tình huống tiến thoái lưỡng nan khi giới tính trên giấy tờ khác với thể hiện giới của họ.
Bảo vệ tốt hơn quyền con người
Chỉ ra nhiều “khoảng trống” khác với mong muốn thời gian tới có thể hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến cộng đồng người đồng tính, TS Thảo cho biết: Hiến pháp và pháp luật chưa đặt ra nguyên tắc cấm sự kỳ thị, phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và bản dạng giới như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra, do chưa có luật chống kỳ thị dựa trên bản dạng giới nên Nhà nước chưa thực sự có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về vấn đề này trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách bảo vệ đối tượng trẻ em là người đồng tính, nhất là trẻ em đồng tính đường phố hoàn toàn bị bỏ trống trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Còn Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các văn bản pháp luật có liên quan không đề cập đến bạo lực gia đình đối với người đồng tính trong gia đình.
Xuất phát từ thực tế xã hội hiện nay đang thảo luận khá sôi nổi về quyền kết hôn của người đồng tính, Viện trưởng Viện iSEE Lê Quang Bình bày tỏ: “Việc thừa nhận hôn nhân cùng giới thể hiện mạnh mẽ quan điểm bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người của Việt Nam. Điều này sẽ nâng cao vị thể của Việt Nam trên trường quốc tế, gạt bỏ những định kiến cho rằng Việt Nam không tôn trọng quyền con người”.
Bên cạnh các con số và thông tin khoa học, những chia sẻ từ bản thân cộng đồng, từ các cặp đôi, từ cha mẹ của người LGBT cũng là những điểm nhấn của Hội thảo nói trên, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lập pháp. Các đại biểu Quốc hội tham gia Hội thảo đã thảo luận nhiều vấn đề lập pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người của cộng đồng người đồng tính, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ công dân trong xã hội Việt Nam.
Thục Quyên