fiogf49gjkf0d
Theo đài Tiếng nói nước Nga, việc Triều Tiên thay Bộ trưởng Quốc phòng và Mỹ-Hàn tập trận chung đều tác động đến tình hình bán đảo Triều Tiên.
Sự cần thiết phải cải cách đất nước đã buộc Kim Jong-un phải dần dần gạt bỏ những tướng lĩnh cứng nhắc.
Về sự thay đổi trong ban lãnh đạo quân sự cấp cao, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin theo phong cách đặc trưng: tên của tân Bộ trưởng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên xuất hiện trong danh sách nhân vật dự cuộc trình diễn ca vũ nhạc của văn công lực lượng an ninh nội vụ, có hiện diện của ban lãnh đạo tối cao của đất nước. Bộ trưởng mới là Thượng tướng Jang Jong-nam. Hồi tháng 12/2012, với quân hàm Trung tướng, ông này chỉ huy quân đoàn tỉnh Gangwon trên bờ biển phía Đông Triều Tiên.
Jang Jong-nam được coi như một đại diện của “cánh trẻ” trong thượng tầng Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ông chưa đến 60 tuổi, trong khi người tiền nhiệm của ông là Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kyok-sik đã 75 tuổi. Như vậy, có thể nói rằng Kim Jong-un đang tiếp tục thi hành chính sách trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quân sự cấp cao của Triều Tiên.
Nhưng, hiển nhiên, vấn đề không chỉ ở tuổi tác. Ông Kim Kyok-sik mới đây trở thành ứng viên Bộ Chính trị BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Ông được coi là người ủng hộ đường lối cứng rắn trong quan hệ với Hàn Quốc. Các chuyên viên phương Tây gắn liền ông này với cuộc pháo kích của Triều Tiên vào hòn đảo ven biên của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải hồi năm 2010, dẫn đến cái chết của 4 công dân Hàn Quốc và làm bùng phát mạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Andrei Ivanov – chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc MGIMO, việc Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kyok-sik từ chức có thể xem là dấu hiệu tích cực. Ông Ivanov giải thích: “Kim Kyok-sik giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng cả thảy 8 tháng. Việc bổ nhiệm ông này khi đó là động tác chiến thuật tinh vi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa nhận cương vị lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Ông Kim không muốn bất hòa với các nhà chỉ huy quân sự. Nhưng cuộc sống, hay nói đúng hơn là sự cần thiết phải cải cách đất nước, đã buộc Kim Jong-un phải dần dần gạt bỏ những vị nguyên soái và tướng lĩnh cứng nhắc. Bây giờ đến lượt Kim Kyok-sik”.
Chuyên gia Ivanov cho rằng cộng đồng quốc tế nên đón chào những nỗ lực của ông Kim Jong-un trong việc giảm bớt vị thế của phái bảo thủ trong ban lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, hoạt động trong hướng này vẫn hầu như chưa được thế giới ghi nhận. Các phương tiện truyền thông thế giới vẫn chủ yếu tập trung bình luận về việc Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân, cũng như các tuyên bố của Bình Nhưỡng đe dọa biến Seoul và Washington thành “biển lửa”. Tất cả những điều đó là bằng chứng về thái độ hiếu chiến của ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên và dùng làm luận cứ biện minh cho thực tế tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Hàn cũng như những cuộc tập trận mới sát gần biên giới của CHDCND Triều Tiên.
Ông Ivanov nhận định khó có thể hủy bỏ cuộc diễn tập quân sự vốn đã lên kế hoạch từ lâu, giống như những cuộc tập trận mà lực lượng vũ trang của Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành những tháng gần đây và cuộc tập trận khởi đầu ngày 13/5/2013. Nhưng Mỹ-Hàn không nên huy động máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân hoặc là tàu sân bay hạt nhân tấn công. Những động thái như vậy không chỉ khiêu khích Bình Nhưỡng, mà còn củng cố lập trường của phái “diều hâu” ở Triều Tiên, vốn đang cố gắng làm suy yếu thế lực của Kim Jong-un.
Trên thực tế, trong khi kêu gọi Bình Nhưỡng tiến hành cải cách, Washington và Seoul không nên ngang nhiên can thiệp, cản trở quá trình này. Mỗi cuộc tập trận Mỹ-Hàn đều vô hình trung trao con át chủ bài mới vào tay những nhân vật chủ trương bảo tồn chế độ hà khắc ở miền Bắc Triều Tiên. Đó là chế độ trong đó ưu tiên hoạch định chính sách không thuộc về các chính trị gia và các nhà kinh tế mà là đặc quyền của giới tướng lĩnh.
Theo Kienthuc.net.vn