Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Tân Việt An (Công ty Tân Việt An) đã gửi đơn đến Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Vụ tranh chấp kéo dài
Hồ sơ vụ việc thể hiện, ngày 21.6.2010, Công ty Tân Việt An (chủ đầu tư cấp 1) và Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Công ty Đức Mạnh) ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTĐT/TVA-ĐM. Hai bên thỏa thuận giá trị khu đất xây dựng chung cư lô C1 và C2 tại dự án trên, với tổng giá trị hợp đồng hơn 206 tỷ đồng. Công ty Tân Việt An sẽ góp 20% giá trị khu đất (tương đương hơn 41 tỷ đồng), Công ty Đức Mạnh sẽ thanh toán cho Công ty Tân Việt An số tiền hơn 165 tỷ đồng để sở hữu 80% giá trị khu đất. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án là 400 tỷ đồng.
Hợp đồng chia tiến độ thanh toán tiền của Công ty Đức Mạnh thành 3 đợt và cả 3 lần thanh toán, Công ty Đức Mạnh đều thực hiện chậm so với tiến độ đã ký kết. Tính đến 6.7.2011, Công ty Đức Mạnh đã thanh toán cho Công ty Tân Việt An tổng số tiền 115 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra nhiều khuất tất… nên tháng 4.2014, Công ty Đức Mạnh có văn bản thông báo cho Công ty Tân Việt An về việc chấm dứt hợp động hợp tác trên và khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên chấm dứt Hợp đồng hợp tác số 01/HĐHT/TVA-ĐM, buộc Công ty Tân Việt An hoàn trả 115 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại 200% số tiền đã nhận (tương đương 230 tỷ đồng), buộc thanh toán tiền lãi chậm trả, duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ-BPKCTT ngày 18.9.2017 của TAND Quận 2 (nay là TP. Thủ Đức).
Công ty Tân Việt An đã phản tố yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu, trả lại số tiền 115 tỷ đồng và hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tháng 9.2017, TAND Quận 2 đã có Bản án sơ thẩm số 14/2017/KDTM-ST quyết định chấm dứt hợp đồng nêu trên và yêu cầu Công ty Tân Việt An thanh toán tổng cộng hơn 177 tỷ đồng cho Công ty Đức Mạnh. Quyết định này đã được duy trì tại Bản án phúc thẩm số 583/2018/KDTM-TP ngày 12.6.2018.
Sau đó, Công ty Tân Việt An đã kháng cáo và được TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp thuận tại Quyết định giám đốc thẩm số 18/2020/KDTM-GĐT ngày 29.5.2020.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 18/2020/KDTM-GĐT trên, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2020/KN-KDTM ngày 26.2.2020 của Chánh án TAND tối cao, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm (lần 1) để giải quyết lại.
Cần phán quyết hợp lý, hợp tình
Sau đó, TAND TP. Thủ Đức và TAND TP. Hồ Chí Minh đã tiếp tục xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 628/2022/KDTM-PT ngày 29.9.2022 của TAND TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau khi bản án được ban hành, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy 2 bản án xét xử lại vẫn có những vấn khuất tất nên ngày 23.5.2023 đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2023/KN- KDTM. Tiếp đó, ngày 12.6.2023, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT nêu rõ: “Các bên thừa nhận Công ty Đức Mạnh đã giao cho Tân Việt An 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tân Việt An chưa hoàn trả số tiền này sau khi hợp đồng bị chấm dứt. Bản án phúc thẩm số 628/2022/KDTM-PT ngày 29.9.2022 của TAND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chấm dứt hợp đồng và buộc Tân Việt An hoàn trả số tiền đã nhận cùng khoản tiền lãi do chậm thanh toán, đúng với Quyết định giám đốc thẩm và quy định pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án phúc thẩm buộc Tân Việt An bồi thường cho Đức Mạnh 115 tỷ đồng, tức gấp đôi số tiền thực nhận theo thỏa thuận là không phù hợp”.
Chính vì thế Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT đã quyết định: “Sửa một phần bản án phúc thẩm về phần bồi thường, và tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án cũng không xem xét tiền lãi do chậm thanh toán do không có khiếu nại của đương sự”.
Thế nhưng đến ngày 11.6.2024, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lại có Quyết định giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT.
Đánh giá về Quyết định giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT, Công ty Tân Việt An cho rằng, Hội đồng Thẩm phán kết luận nhiều vấn đề chưa sát với các văn bản, tài liệu liên quan đến vụ án.
Cụ thể, tại Biên bản họp giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh ngày 27.7.2012 ghi rõ: “Ý kiến của Đức Mạnh rằng: đồng ý thanh toán số tiền 20 tỷ đồng cho Tân Việt An để thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của khu đất xây dựng chung cư”. Tuy nhiên, trong Quyết định giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT, Hội đồng thẩm phán lại nhận định: "Công ty Đức Mạnh sẽ thanh toán sau khi Tân Việt An hoàn thành việc bồi thường".
Công ty Tân Việt An đưa ra thêm bằng chứng là biên bản thỏa thuận ngày 5.7.2011, trong đó Công ty Đức Mạnh chỉ tạm ứng 15 tỷ đồng trong tổng số 35 tỷ đồng cần thanh toán. Công ty Tân Việt An cho rằng, Hội đồng Thẩm phán đã bỏ qua nội dung biên bản này và chỉ dựa vào ủy nhiệm chi của Công ty Đức Mạnh, kết luận rằng Công ty Đức Mạnh đã thanh toán đủ 35 tỷ đồng. Nhận định này gây thiệt hại lớn cho Tân Việt An.
Mới đây, Công ty Tân Việt An có đã có đơn kiến nghị gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao và Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao kiến nghị xem xét lại, điều tra làm rõ các vấn đề chưa rõ trong Quyết định giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT.
Luật sư Nguyễn Sa Linh, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Trong vụ án này Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2020/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh là một quyết định hợp tình, hợp lý, thượng tôn pháp luật. Theo Quyết định này, Tòa án đã hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm trước đó, yêu cầu giải quyết lại vụ án theo hướng chấm dứt hợp đồng hợp tác và giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng. Cụ thể, hai bên phải hoàn lại số tiền đã giao nhận và bồi thường thiệt hại là khoản tiền lãi do chậm thanh toán khi hợp đồng chấm dứt. Đây là quyết định mang tính pháp lý cao và cần được tôn trọng".