Lý giải vì sao đánh giá chống tiêu cực còn mờ nhạt được Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nêu rõ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, ngày 13/9.

Từ tiêu cực dẫn đến tham nhũng

Cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề cập việc, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành một loạt các quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể.

Theo bà Thủy, đây cũng là cơ sở chính trị hết sức quan trọng trong triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như vi phạm pháp luật nói chung.

“Trong báo cáo của Chính phủ, chúng tôi thấy có nêu tình hình về công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, nhưng khi phân tích, đánh giá từng mặt hoạt động cụ thể mới tập trung vào mảng phòng, chống tham nhũng; phần tiêu cực, lợi ích nhóm chưa thấy được đề cập”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Bà cho hay, trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023, đã có yêu cầu cần bổ sung đánh giá liên quan đến công tác phòng, chống tiêu cực.

“Báo cáo năm nay chúng tôi thấy nội dung này hết sức mờ nhạt và cũng chưa được phân tích, đánh giá làm rõ”, bà Thủy nói.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: P.Thắng

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, bây giờ tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bà cũng cho hay, khi còn làm Bí thư tỉnh Thái Nguyên, trong quán triệt tới các đơn vị, cấp, ngành đều nhấn mạnh ý tiêu cực.

“Ở đây tiêu cực như là tham nhũng vặt và là những biểu hiện hàng ngày...”, bà Hải đề nghị đánh giá sâu sắc và kỹ hơn những biểu hiện của tiêu cực.

Làm rõ sau đó, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mang tính định lượng về tiêu cực. Đánh giá tiêu cực hiện nay chỉ mang tính định tính và chủ yếu là suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa rồi cũng nói từ tiêu cực dẫn đến tham nhũng. Tiêu cực là nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng”, theo lời Tổng Thanh tra.

Để khắc phục được vấn đề này, ông Đoàn Hồng Phong nói, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương xác định tiêu chí và làm rõ hơn việc này. “Tiêu cực là khái niệm mới và nội dung mới”, Tổng Thanh tra nói thêm.

“Làm số liệu đến 3 lần trong 1 năm là lãng phí công sức”

Ở vị trí điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định rất băn khoăn về việc thống kê số liệu trong các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2024. Số liệu tại các báo cáo này tính từ 1/10/2023 đến 31/7/2024.

Bởi, theo ông, các số liệu trong báo cáo trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc mới tính đến ngày 31/7, tới khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp 8, thì phải “gấp rút bổ sung đến 30/9”. Sau đó, cuối năm tổng kết, các cơ quan một lần nữa thống kê số liệu.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: P.Thắng

“Như vậy, các cơ quan phải làm số liệu đến 3 lần, tôi thấy khổ, mà cũng lãng phí thời gian, lãng phí công sức”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông nêu thực tế, Thanh tra Chính phủ làm báo cáo không thể tự nghĩ ra số liệu mà phải trên cơ sở số liệu do các địa phương báo cáo, mà các địa phương báo cáo có địa phương báo cáo tháng 7, có địa phương báo cáo tháng 8, nếu cộng vào không chính xác.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, số liệu trong các báo cáo thống nhất từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 sẽ chính xác và đỡ phải làm 3 lần trong năm.

“Chúng ta nói báo cáo năm 2024 nhưng không phải năm 2024, chỗ thì tháng 7, chỗ thì tháng 8. Nếu 2024 thì phải đến hết ngày 31/12”, ông Định đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu chính cho Chính phủ về Luật Hoạt động giám sát liên quan đến vấn đề này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không phải báo cáo nào số liệu cũng tính từ 1/1 đến 31/12 được, bởi kế hoạch kinh tế - xã hội chỉ tính được đến tháng 9. Năm nay, Trung ương họp sớm, thì số liệu chỉ tính được đến tháng được 8 tháng.

“Chúng ta chấp nhận báo cáo kinh tế - xã hội, còn các vấn đề khác thì nên để kỳ họp đầu năm”, ông Định nêu và cho rằng, việc này để tránh “tất cả dồn vào kỳ họp cuối năm quá nặng”.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị nên sửa đổi các nghị định hoặc Luật Hoạt động giám sát theo hướng trừ báo cáo kinh tế - xã hội giữ như hiện nay.

Còn lại các báo cáo của các cơ quan, kể cả báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tới đây nên lấy số liệu đến 31/12 hằng năm, trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 để “chính xác và đỡ vất vả cho các cơ quan”.

“Tôi nói thật, nhiều khi số liệu này cũng chỉ ước lượng, gọi là mang tính bốc thuốc nhiều”, Tổng Thanh tra thẳng thắn nói và cho rằng, các báo cáo trên không phải đến mức “cháy nhà chết người” như báo cáo kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh bày tỏ quan điểm cá nhân nên thống kê một lần vào cuối năm.

“Với ý kiến chính thức của Chính phủ, chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ Nội vụ để đẩy nhanh việc tham mưu, có ý kiến sớm chính thức với Luật Hoạt động giám sát, trong đó có nội dung này”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.

Hương Giang--Bao thanhtra