Theo Báo cáo tại Buổi làm việc, Cục PBGDPL đã nghiên cứu tiếp thu, xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức các buổi làm việc, tham vấn ý kiến góp ý về dự thảo Đề án và 2 cuộc họp với một số đơn vị chức năng của Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, doanh nghiệp được Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu để phối hợp nghiên cứu xây dựng Đề án. Đồng thời, Cục đã và đang triển khai hoạt động khảo sát đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại bộ, ngành, địa phương để nắm bắt thông tin, tình hình, số liệu phục vụ việc nghiên cứu xây dựng Đề án.
Về nội dung dự thảo Đề án, Cục PBGDPL tiếp tục rà soát, chỉnh lý và bổ sung cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Đề án; Chỉnh sửa, bổ sung mục tiêu tổng quát, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung mục tiêu cụ thể của Đề án để bảo đảm tính khả khi, phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Đề án đề xuất 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó đã nghiên cứu bổ sung các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong công tác này: xây dựng ứng dụng khảo sát trực tuyến, ứng dụng báo cáo tự động; ứng dụng lắng nghe dư luận để nắm bắt nhu cầu tìm hiểu, PBGDPL của người dân và doanh nghiệp; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại chúng; xây dựng nền tảng sát hạch trực tuyến.
Bổ sung nhiệm vụ “Bổ sung trợ lý pháp luật phục vụ công tác tìm kiếm thông minh trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia cho người dùng; Xây dựng tài liệu PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật trên môi trường mạng và theo một số phương thức chuyển đổi số mới, phù hợp.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
|
Đối với việc nghiên cứu xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL, Cục đã tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước về một số ứng dụng trợ lý ảo phục vụ công tác truyền thông, PBGDPL; tổ chức buổi làm việc với một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin để trao đổi về ý tưởng ứng dụng AI trong PBGDPL.
Tại buổi làm việc, một số chuyên gia đề xuất thêm 1 số giải pháp về hướng dẫn, đào tạo tiếp cận pháp luật trên công nghệ số cho người dân với nhiều phương pháp khác nhau; ứng dụng AI để giải đáp thắc mắc về pháp luật cũng như khảo sát nhu cầu của người dân tại từng thời điểm để xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp; đa dạng hóa các mô hình tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia; Tạo giao diện giám sát, tương tác trực tiếp với thông tin nguồn từ trung ương đến địa phương (loa, đài phát thanh…); Tổ chức nhiều cuộc thi hỏi đáp về pháp luật…
Phát biểu Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục PBGDPL nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hoàn thiện dự thảo Đề án. Đồng thời bám sát nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW 2022 tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới, bởi mục tiêu căn bản của Đề án là hướng tới thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong xã hội.
Cần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng và làm giàu kho dữ liệu về PBGDPL trên môi trường mạng là nơi cung cấp thông tin pháp luật tập trung phục vụ nhu cầu khai thác, tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Đề án này gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương trong công tác PBGDPL, do đó cần phân rõ nhiệm vụ cho từng bộ phận để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả./.