Thứ sáu, ngày 24/01/2025 03:00:04 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023 - những mảng màu đa sắc


Cập nhật: 6h53' ngày 11/12/2024


 

Thành Dương

Thứ ba, 10/12/2024 - 22:33

 

(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).

Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác PCTN của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA). Ảnh: BTT

Mục đích chính của bộ chỉ số PACA nhằm đưa ra những đánh giá thực chất, khách quan và khuyến khích những nỗ lực của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác PCTN, xây dựng văn hóa chống tham nhũng.

Sau một thời gian triển khai PACA, các tỉnh thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa trong hoạt động đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt, hỗ trợ các hoạt động trong công tác PCTN. Việc xây dựng báo cáo tự đánh giá, hồ sơ, tài liệu chứng minh trở thành thói quen và chất lượng báo cáo hàng năm ngày càng được cải thiện.

Sau khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN đã dành một chương hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá công tác PCTN của Thanh Tra Chính phủ.

Ngày 6 tháng 2 năm 2024, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 198KH-TTCP về việc đánh giá công tác PCTN đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023.  Phạm vi đánh giá của PACA 2023 năm nay vẫn tập trung xung quanh 4 nội dung chính mà UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện theo quy định của Luật PCTN 2018: (1) đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, (2) đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, (3) đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng và (4) việc đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2023 kế thừa cơ bản nội dung Bộ chỉ số đánh giá năm 2022, nhằm giữ ổn định về phương pháp đánh giá và có thể tổng hợp, so sánh điểm của các tiêu chí theo chuỗi thời gian từng năm. Chỉ có điều chỉnh điểm số thành phần ở các tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế.

Những “điểm sáng” trong PACA 2023

Công tác PCTN cấp tỉnh đạt điểm cao nhất trước đến nay

Một trong những điểm sáng dễ nhận thấy đó là, điểm đánh giá công tác PCTN trung bình toàn quốc năm 2023 cao nhất từ 2016 đến nay đạt 69.72 điểm. Điều này cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ không ngừng, nghỉ và hiệu quả thực tế trong PCTN năm qua của cả hệ thống chính trị; quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất của Đảng và nhà nước đã lan toả tinh thần đó xuống tới các địa phương.

Điều này dễ nhận thấy thông qua điểm số khi nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN của các địa phương trên cả nước tiếp tục được triển khai tốt; nội dung này tiếp tục đạt điểm cao nhất trong công tác PCTN, theo đó điểm trung bình đạt 18.4 điểm trên thang điểm 20, đáp ứng 92.0% yêu cầu đặt ra.

Qua thống kê cho thấy có tới 50 địa phương đạt điểm từ 17.02/20 (đạt 85.25% so với yêu cầu của bộ Chỉ số). Có tới 59/63 địa phương đạt điểm tuyệt đối trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, điểm trung bình của các địa phương đạt tới 4.91/5 điểm (tương ứng mức đạt 98.25% so với yêu cầu, tăng hơn so với năm 2022).         

Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương không chỉ việc triển khai văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ về PTCN, mà còn cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy. Nội dung kế hoạch công tác PCTN đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN.

Công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu

Triển khai đồng bộ, nhất quán và hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng là một trong những điểm sáng trong báo cáo PACA. Đặc biệt là những tỉnh đạt điểm cao của nội dung này tập trung ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khi có tới 8/15 địa phương đạt điểm cao nhất trên cả nước. Số liệu này tương đồng với những đánh giá của PAPI và PCI của các địa phương, thể hiện những nỗ lực trong quản trị địa phương của lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực này.

Dù muốn dù không thì việc triển khai và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng từ Trung ương đến địa phương trong những năm qua đã trở thành thói quen và nề nếp.

Đối với kết quả công khai minh bạch của năm 2023 theo các quy định của Luật PCTN 2018 tiếp tục tăng khi đạt 89.85% so với yêu cầu. Có tới 29/63 địa phương đạt điểm tuyệt đối so với yêu cầu, có nghĩa là mọi hoạt động của cơ quan nhà nước ở các địa phương này đều được công khai theo quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; đã kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm.

Cải cách hành chính và chuyển đổi số cùng nhau vững mạnh

Một trong những điểm sáng cần phải nhắc tới trong PACA 2023 đó là kết quả cải cách hành chính và chuyển đối số đạt được những hiệu quả lớn hơn mong đợi. tính đến hết tháng 12/2023, có tới 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai 81% TTHC là DVCTT, trong đó 48,5% TTHC được triển khai là DVCTT toàn trình. Tính đến tháng 12/2023, có 49/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 38,5%. Qua thống kê, đo lường trên Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), trung bình hàng ngày có khoảng 76 nghìn hồ sơ DVCTT.

PACA 2023 ghi nhận sự thành công, tiến bộ trong sự kết hợp giữa cải cách hành chính và chuyển đối số năm 2023, điều đó đã tạo nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước, tiến tới tạo nền móng phát triển cho cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mặc dù vẫn còn chuyện cán bộ, công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân nhưng những bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với cơ quan Nhà nước thông qua hình thức trực tuyến đã giảm đáng kể so với thời kỳ trước.

Những điểm “chưa sáng”!

Trong rất nhiều điểm sáng thì báo cáo PACA 2023 vẫn còn những điểm thực sự chưa sáng trong việc triển khai công tác PCTN ở các địa phương trong năm qua.

Quyết tâm PCTN vẫn… ngập ngừng!

Trong phần A của PACA, giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN cấp tỉnh thường đạt điểm cao nhất trong 4 chỉ số thành phần. Điều này cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước quan tâm, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung này tiếp tục đạt điểm cao nhất trong các mặt của công tác PCTN đạt 18.40/20 điểm (đạt 92.01% so với yêu cầu).

Không có sự chênh lệch quá đáng kể giữa các địa phương trong điểm số thành phần này. Xét dưới góc độ thống kê thì việc lượng hoá nội dung này ở PACA các năm qua vẫn được xem là khó nhất, vì việc “cân, đong, đo, đếm” các chỉ số về công tác lãnh đạo, chỉ đạo vẫn thông qua những báo cáo từ địa phương. Tuy nhiên, mặc dù, trong năm 2023, tiếp tục những quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN với hành động thực sự mạnh mẽ thì tại một số cơ quan, đơn vị ở địa phương còn có khoảng cách những khoảng cách nhất định.

Nhận định này phù hợp với đánh giá chỉ số quản trị cấp địa phương PAPI khi trong 10 năm qua, điểm trung bình về cảm nhận của người dân trong quyết tâm PCTN của chính quyền Trung ương luôn đạt trên 82% thì ở cấp địa phương chỉ đạt 1,765/2,5 (đạt 70,06% so với yêu cầu- tính đến năm 2022).

Trong khi đó, kết quả cảm nhận của người dân về quyết tâm chống tham nhũng trong khu vực công của chính quyền địa phương năm 2023 chỉ đạt 65,89% cho thấy những ngập ngừng so với những năm trước đó.

Công khai vẫn chỉ là… công khai

Đối với tổ chức thực hiện biện pháp công khai, minh bạch ở cấp tỉnh triển khai nói chung khá tốt, mọi thông tin cần phải công khai theo quy định của Luật PCTN năm 2018 được các địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Riêng đối với lĩnh vực công khai ngân sách, từ năm 2020, cổng công khai ngân sách Nhà nước (https://ckns.mof.gov.vn) đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Đây được coi là bước khởi động tiến tới thực hiện dữ liệu mở của ngành Tài chính; góp phần tăng cường kỷ luật tài khóa, sử dụng hiệu quả nguồn lực của ngân sách Nhà nước, đồng thời nhằm cụ thể hóa chủ trương tăng cường sự công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của ngành Tài chính trong quản lý tài chính quốc gia, góp phần nâng cao tín nhiệm quốc gia.

Tuy nhiên, một số nội dung cần phải công khai ở cấp huyện và cấp xã chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương khi truy cập vào website của các đơn vị cấp huyện, cấp xã, thậm chí cấp tỉnh hay của một số bộ ngành vẫn không có mục công khai ngân sách cấp huyện theo quy định hoặc có mục công khai nhưng không có nội dung công khai.

Năm 2023, theo đánh giá của PAPI (chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh) chỉ có 38.9% người dân được hỏi cho biết, việc thu chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai (thấp nhất trong vòng 5 năm qua và giảm 7.9% so với năm 2022.

Nhiều tỉnh, thành phố có mục công khai ngân sách nhưng không có nội dung hoặc nội dung không cập nhật thường xuyên. Chỉ số công khai thấp nhất ở các địa phương được đánh giá đó là việc tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn là chỉ số nội dung đạt điểm thấp nhất trong những chỉ số nội dung về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.

Cảm nhận của người dân về việc phản hồi của người dân đối với những chính sách công khai còn chưa thực sự tốt. Theo kết quả thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại một số bộ, ngành và UBND một số tỉnh, thành phố trên cả nước mà Thanh tra Chính phủ mới công bố cho thấy, tỷ lệ số hoá hồ sơ giải quyết TTHC của một số tỉnh được thanh tra còn thấp, có nơi đạt chưa đến 15% (ở dưới cấp huyện và cấp xã còn thấp hơn) và chủ yếu đạt ở ngưỡng dưới mức trung bình. Như vậy công khai mà việc số hoá chưa hoàn thiện thì công khai vẫn còn là câu chuyện còn… hình thức dài dài.

Kiểm soát xung đột lợi ích có làm cho… hay, hay làm cho… có?

Kiểm soát xung đột lợi ích vẫn được xem là điểm số thấp trong bảng điểm PACA 2023 khi chỉ đạt 63.05% so với yêu cầu. Không thể không thừa nhận rằng việc triển khai các nhiệm vụ về kiểm soát xung đột lợi ích được quy định tại Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP khó được thực hiện nếu không có hướng dẫn thêm và dễ được hiểu đó là các nhiệm vụ đã xuất hiện ở đâu đó trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử, định mức tiêu chuẩn hay thậm chí là công khai trong hoạt động của tổ chức đơn vị.

Điểm số ở nội dung này đạt được chủ yếu ở phần xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi truy cập một số kế hoạch kiểm soát xung đột lợi ích năm 2023 của nhiều UBND cấp tỉnh, thành phố và của một số quận, huyện sở ngành cho thấy nội dung các kế hoạch còn chung chung và chưa rõ các nhiệm vụ và trường hợp cụ thể. Yêu cầu của kế hoạch đưa ra cần phải thực hiện tốt các giải pháp về kiểm soát xung đột lợi ích nhưng không rõ là giải pháp nào và thực hiện như thế nào mà lại quy lại việc thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích để PCTN và PCTN để kiểm soát xung đột lợi ích.

Có tới 42 tỉnh, thành phố trong năm 2023 không giải quyết được bất kỳ tình huống xung đột lợi ích nào, có 5 địa phương giải quyết được trên 5 vụ xung đột lợi ích trong năm 2023.  Những con số này cho thấy cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để việc triển khai trên thực tế không còn lúng túng.

Kết quả công tác PCTN cấp tỉnh năm 2023 với những góc nhìn trực diện, khách quan đem lại cái nhìn tổng quan hơn về những nỗ lực của UBND cấp tỉnh trong việc triển khai công tác PCTN ở địa phương là những khẳng định một lần nữa của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Kết quả chi tiết từng chỉ số sẽ giúp các địa phương nhìn lại được những việc mình đã làm, những điểm còn thiếu, còn yếu còn cần phải phát huy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian sắp tới.