Thứ bảy, ngày 05/10/2024 01:54:13 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV Tín hiệu mới cho các chương trình mục tiêu quốc gia


Cập nhật: 18h18' ngày 10/06/2023


 

Thứ Bảy, 10/06/2023, 06:30  Chia sẻ

LƯƠNG ANH TẾ - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc sáng 7.6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: nghiên cứu thí điểm việc phân cấp khoán gọn kinh phí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 1 huyện, báo cáo Quốc hội tại kỳ giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào Kỳ họp thứ Sáu; đây là một tín hiệu tốt, kỳ vọng có thể giải quyết được những vướng mắc, “nút thắt” trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.

 

Quốc hội đã nhận thấy và đang có hướng tháo gỡ những bất cập, khó khăn khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia qua giám sát của Quốc hội và qua các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm này. Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận: việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất chậm; kết quả đạt được đến nay còn hạn chế; các văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể; thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp, sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp còn bất cập, lúng túng; việc phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được giải quyết dứt điểm; việc huy động các nguồn lực cho chương trình và phân bổ các nguồn lực còn khó khăn.

Khó lồng ghép do chưa có hướng dẫn cụ thể

Thực tế khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương còn xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Xin dẫn một nội dung cụ thể về thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn vốn... Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19.4.2022, Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, khoản 4, điều 4 của Nghị định về nguyên tắc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, có quy định: Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cụ thể hơn, điểm đ khoản 1 điều 10 của Nghị định về lồng ghép nguồn vốn có ghi: Xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức chi theo từng nội dung, hoạt động được lồng ghép; thống nhất quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép phù hợp với thực tế tại địa phương. Quy định "có vẻ" rõ ràng, nhưng khi thực hiện lại rất khó, như: tỷ lệ huy động? thống nhất định mức chi?...

Vì thế, việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn đang rất khó thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành ở Trung ương. Điều này dẫn đến HĐND các địa phương, tuy đã ban hành các nghị quyết về lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng nghị quyết HĐND mới chỉ nêu chung chung, và UBND các tỉnh hầu hết cũng chưa ban hành các quy định cụ thể; nhất là về: tỷ lệ huy độngđịnh mức chi theo từng nội dungquy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán...

Lồng ghép "ba trong một", đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Từ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương đã có ý đề xuất nên lồng ghép cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia làm một - "ba trong một". Trong đó, địa phương (tỉnh, huyện, xã) nào có nội dung của chương trình nào thì triển khai thực hiện nội dung đó. Đồng thời, khi Trung ương phân bổ ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia thì lồng ghép luôn. Đây cũng chính là nguyên tắc: Quá trình lồng ghép phải được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách. Làm được như vậy sẽ gỡ khó cho địa phương và tập trung được nguồn lực.

Bởi xét cho cùng, các chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng đến các đối tượng yếu thế (người dân), hướng đến các địa phương, vùng, miền, vùng dân tộc khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể: đối tượng của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là: xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX), các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đối tượng thụ hưởng của chương trình xây dựng nông thôn mới, là: người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Đối tượng của Chương trình giảm nghèo bền vững, là: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các tỉnh có huyện nghèo; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh có huyện nghèo.

Xét về phạm vi, địa phương nào cũng có ít nhất 2 chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, một số địa phương có thêm Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu Quốc hội quyết định lồng ghép "ba trong một" và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương sẽ thuận lợi cho việc triển khai và chắc chắn sẽ tiết kiệm được nguồn vốn, do không bị phân tán và chi vào các nội dung trùng lặp, không cần thiết, nguồn vốn sẽ đến với đối tượng thụ hưởng nhanh hơn, trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, vướng hiện nay là, mỗi chương trình quốc gia đang được giao cho một bộ, ngành ở Trung ương chủ trì, do vậy cần "phá vỡ", "xóa bỏ" tư duy "quyền anh quyền tôi", phân chia quyền lực giữ các cơ quan, ngay ở trên cấp Trung ương.

Việc Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo: Nghiên cứu thí điểm việc phân cấp khoán gọn kinh phí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 1 huyện, báo cáo Quốc hội tại kỳ giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào Kỳ họp thứ Sáu, là một tín hiệu tốt, kỳ vọng có thể giải quyết được những vướng mắc nêu trên.

 

BOX: Quốc hội Khóa XV đã ban hành các nghị quyết, Chính phủ đã ban hành các quyết định để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đây là việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách lớn của Đảng là: phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc, giữa thành thị và nông thôn.

Theo ĐBND

tin cùng chuyên mục