Thứ sáu, ngày 24/01/2025 04:49:45 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Tài sản số - luật hóa thế nào cho phù hợp?


Cập nhật: 5h38' ngày 10/12/2024


 09/12/2024 | 07:06

Với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người sở hữu loại tài sản này. Cùng với đó, các thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào Việt Nam. Nêu các con số này, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) chỉ rõ, “nếu không có khung khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì chúng ta sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số”. Vị đại biểu cũng cho rằng, việc quy định về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số là phù hợp.

img-4833.png
Dự luật Công nghiệp công nghệ số vừa được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám. Nguồn: ITN

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành cách tiếp cận trên bởi việc luật hóa các nội dung liên quan đến tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số mang lại nhiều ý nghĩa trong bối cảnh công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa đang ngày càng phổ biến ở nước ta. Ở góc độ quản lý nhà nước, điều này sẽ giúp chúng ta tiếp cận được với mặt bằng quản lý tài chính, công nghệ của các nước trên thế giới và góp phần phòng, chống các hoạt động trốn thuế, rửa tiền, kiểm soát chặt chẽ hơn “thị trường tài sản số ngầm”...

 

Tuy vậy, luật hóa vấn đề tài sản số như thế nào không đơn giản, bởi đây là vấn đề rất mới, phức tạp và hiện cũng đang đặt ra nhiều thách thức về quản lý không chỉ với riêng nước ta.

Soi chiếu cụ thể vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, các quy định về tài sản số (từ Điều 14 đến Điều 17) “có vẻ hơi khiên cưỡng”. Lý do là bởi, các quy định này là quy định về một loại tài sản mới - có thể sử dụng ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp như một đối tượng của các luật về quản lý tài sản. Dự thảo Luật cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến quy định về thuế, tài chính. Khoản 2 Điều 17 đưa thêm khái niệm về cung ứng dịch vụ tài sản số, nhưng loại hình dịch vụ này lại không được quy định trong các loại hình dịch vụ công nghệ số tại Điều 11 và tài sản số cũng không được quy định như một loại sản phẩm công nghệ số tại Điều 10. “Gần như không có nội dung nào thể hiện sự gắn kết mối quan hệ giữa đối tượng này với ngành công nghiệp công nghệ số”, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhận định.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có lẽ cũng chưa yên tâm với quy định của dự thảo Luật nên tại báo cáo thẩm tra trình Quốc hội đã đề nghị cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rà soát kỹ lưỡng khái niệm, phân loại tài sản số, dữ liệu số, quyền, nghĩa vụ của người sở hữu tài sản số, quản lý nhà nước về tài sản số, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán và các luật có liên quan. Cơ quan này cũng đề xuất nghiên cứu giới hạn phạm vi quy định về tài sản số trong dự luật theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, các nội dung cụ thể sẽ được điều chỉnh bởi các văn bản hướng dẫn thực hiện và quy định chi tiết.

 

Cách thức quy định như vậy là phù hợp với xu hướng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, chỉ luật hóa những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời phải là những vấn đề đã chín, đã rõ, thực hiện ổn định còn những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều biến động như tài sản số thì rất nên điều chỉnh trong các văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trước những thay đổi như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, với việc quy định về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số thì đây sẽ là lần đầu tiên nội dung này được đề cập rõ nét trong một văn bản luật về công nghệ, kỹ thuật. Do đó, việc hoàn thiện các quy định về tài sản số trong dự luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc quy định chi tiết thực sự phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Qua ý kiến chuyên gia và các đại biểu Quốc hội cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài sản số trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số theo hướng: định nghĩa rõ ràng hơn về tài sản số, trên cơ sở đó, phân loại cụ thể tài sản số để có phương án quản lý tương ứng; làm rõ hơn trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, nghiên cứu bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp; làm rõ các giai đoạn trong “vòng đời” của tài sản số như tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn để cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn...